Một người sắp nghỉ việc sẽ có nhiều dấu hiệu bất thường như thường xuyên họp kín, né tránh nói về tương lai hoặc liên tục nghe điện thoại ở nơi kín đáo.

Thoi viec
7 dấu hiệu cho thấy nhân viên của bạn sắp nghỉ việc (Ảnh: Shutterstock)

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Microsoft, hơn 40% người lao động đang cân nhắc nghỉ việc trong năm nay. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, 4 triệu người Mỹ đã bỏ việc vào tháng 7/2021 và thị trường lao động chứng kiến con số kỷ lục 10,9 triệu vị trí tuyển dụng vào cuối tháng Bảy. Những con số này cho thấy người lao động đang có xu hướng nhảy việc nhiều hơn bao giờ hết. 

Dưới đây là 7 dấu hiệu phổ biến cho thấy một nhân viên chuẩn bị nghỉ việc. Nắm bắt được những dấu hiệu này sẽ giúp bạn lên kế hoạch giữ người hoặc tuyển người hiệu quả hơn.

1. Yêu cầu phi thực tế

Nếu nhân viên của bạn đột nhiên yêu cầu một mức lương cao hoặc đãi ngộ bất thường thì có khả năng là họ đang muốn nhảy việc hoặc đang cảm thấy bị đánh giá thấp. Khi không còn gì để mất, họ sẽ không ngại đưa ra yêu cầu kỳ lạ như vậy, nếu công ty đáp ứng, họ sẽ có lý do để ở lại.

2. Mơ hồ về các cam kết trong tương lai

Có một cách đơn giản để bạn kiểm tra xem nhân viên có muốn gắn bó lâu dài hay không là hỏi về các kế hoạch tương lai. Ví dụ: nếu bạn nói chuyện với nhân viên về nhiệm vụ đi công tác nước ngoài hoặc dự án mới sắp triển khai trong vài tháng tới mà họ tránh né, không tham gia thảo luận thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ sẽ không ở công ty cho đến lúc đó.

pexels cottonbro 3205567
Mơ hồ về các cam kết trong tương lai (Ảnh: Pexels)

3. Dọn dẹp chỗ ngồi

Khi chuẩn bị nghỉ việc, nhân viên có xu hướng dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ trên bàn làm việc. Họ sẽ xếp gọn lại giấy tờ, lau dọn sạch sẽ và mang dần các món đồ cá nhân về nhà. Họ làm vậy để công ty bớt tức giận về quyết định nghỉ việc của họ, đồng thời gây ấn tượng tốt với nhân viên mới. Vì thế, nếu nhân viên của bạn đang âm thầm dọn dẹp chỗ ngồi thì bạn hãy chuẩn bị tinh thần nhận lá đơn xin thôi việc của họ.

4. Họp kín

Thông thường khi muốn nghỉ việc, chúng ta sẽ tâm sự với (các) đồng nghiệp thân thiết. Những cuộc nói chuyện thì thầm trong giờ ăn trưa, các buổi cà phê bên ngoài diễn ra thường xuyên… Tất cả đều là dấu hiệu cho thấy họ đang có bí mật muốn che giấu. Trong trường hợp muốn nghỉ việc, hẳn là họ đang bàn với nhau về kế hoạch tương lai. Bạn cũng sẽ thấy những đồng nghiệp thân thiết với người định nghỉ việc né tránh bạn. Họ không muốn trò chuyện trực tiếp với bạn vì không muốn lỡ lời hoặc tỏ ra không trung thành.

5. Thay đổi thói quen

Nhân viên yêu quý của bạn có đang thay đổi thói quen văn phòng nào gần đây không? Họ đến làm việc muộn hơn hay về sớm hơn? Họ không trả lời tin nhắn buổi tối hoặc cuối tuần nữa? Họ ăn mặc chải chuốt hơn? Họ thường xuyên nghe điện thoại ở ngoài hành lang hơn? Những thay đổi nhỏ là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi lớn sắp diễn ra. Nếu nhân viên của bạn liên tục ăn mặc chỉnh tề hơn bình thường hoặc hay nghe điện thoại riêng thì có lẽ họ đang đi phỏng vấn chỗ khác.

pexels andrea piacquadio 859265
Nhân viên yêu quý của bạn có đang thay đổi thói quen văn phòng nào gần đây không? (Ảnh: Pexels)

6. Né tránh cấp trên

Những người làm việc hiệu quả và có suy nghĩ gắn bó không đời nào lại né tránh cấp trên của mình. Họ có xu hướng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp đôi bên để công việc phát triển thuận lợi hơn. Vì thế khi nhân viên có dấu hiệu né tránh, chểnh mảng với những yêu cầu của bạn thì có lẽ họ sắp nghỉ việc rồi.

7. Hoạt động trên mạng xã hội

Khi ai đó chuẩn bị nhảy việc, chắc chắn họ sẽ viết lại CV. Nhân viên của bạn có đang cập nhật hồ sơ LinkedIn và hoạt động sôi nổi trên các diễn đàn liên quan đến công việc không? Khi chuẩn bị nghỉ việc, mọi người có xu hướng theo dõi các công ty họ sắp ứng tuyển, tham gia các nhóm tuyển dụng, tạo mối quan hệ với những người quan trọng. 

Khi đã xác định chắc chắn rằng nhân viên sắp nghỉ việc, bạn hãy dành thời gian trò chuyện để thấu hiểu những khó khăn, khúc mắc của họ. Lương không phải là mối quan tâm duy nhất của một người đi làm. Có thể nhân viên của bạn chỉ đang cần được hỗ trợ về mặt tinh thần. 

Để phát triển công ty vững mạnh, bạn cần xác định nguyên nhân gốc rễ khiến nhân viên bất mãn rồi thực hiện các giải pháp cụ thể. Các chiến lược phổ biến bao gồm thể hiện sự công nhận khi nhân viên làm việc tốt, tạo điều kiện cho họ nâng cao kỹ năng cá nhân, vẽ lộ trình thăng tiến và giao tiếp thường xuyên hơn.