Tòa án Hàn Quốc đã kết luận 7 cựu nhân viên của một công ty con thuộc tập đoàn Samsung Electronics phạm tội trộm cắp công nghệ chất bán dẫn, và chuyển giao nó cho một công ty Trung Quốc. Vụ việc nhấn mạnh cách các quốc gia đang đẩy mạnh bảo vệ công nghệ chip của chính họ.

Samsung
(Ảnh: GagliardiPhotography / Shutterstock)

Từ lâu, các quốc gia đã coi chất bán dẫn và các công ty không thể thiếu trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu thuộc về vấn đề an ninh quốc gia.

Tháng 10/2022, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt nhất, hạn chế toàn diện việc xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, nhằm ngăn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng những công nghệ này xây dựng sức mạnh quân sự và công nghệ giám sát.

Ngày 21/2, Wall Street Journal đưa tin về phán quyết cho hành vi trộm cắp bí mật thương mại của các cựu nhân viên thuộc công ty SEMES Co., một công ty con của Samsung Electronics, chuyên sản xuất thiết bị được sử dụng trong quy trình sản xuất chất bán dẫn và màn hình.

SEMES không trả lời yêu cầu bình luận của Wall Street Journal. Một phát ngôn viên của Samsung Electronics đã chuyển các câu hỏi đến công ty con yêu cầu bình luận. Tòa án cũng không tiết lộ các luật sư đại diện cho 7 người này.

Hôm thứ Hai (20/2), Tòa án thành phố Suwon của Hàn Quốc đã kết án một cựu nhân viên nghiên cứu của SEMES 4 năm tù, vì tội chiếm đoạt bất hợp pháp các công nghệ độc quyền của công ty liên quan đến thiết bị làm sạch chất bán dẫn, và sử dụng chúng để sản xuất các công cụ tương tự xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một công ty do nhà nghiên cứu này thành lập sản xuất thiết bị làm sạch chất bán dẫn sử dụng công nghệ của SEMES đã bị tòa án tuyên phạt 1 tỷ won, tương đương với 768.000 USD.

6 cựu nhân viên khác của SEMES cũng bị kết tội tham gia đánh cắp công nghệ và nhận mức án lên tới 2,5 năm tù.

Quyết định của tòa án có đoạn: “Nếu những tội ác như vậy bị phạt nhẹ, các công ty sẽ không có động lực đầu tư thời gian và nguồn lực đáng kể vào việc phát triển công nghệ. Điều này sẽ dẫn đến kết quả là các công ty nước ngoài cạnh tranh có thể dễ dàng đánh cắp công nghệ mà các công ty Hàn Quốc đã dày công xây dựng dưới chiêu bài tuyển dụng nhân tài.”

Tòa án cho biết thông tin mà các nhân viên cũ thu được bao gồm bản thiết kế thiết bị và danh sách các bộ phận liên quan từ năm 2018 – 2020 được trích xuất thông qua các bức ảnh và tài liệu bị đánh cắp. Một số thông tin thu được liên quan đến “công nghệ cốt lõi của quốc gia” được luật pháp Hàn Quốc bảo vệ.

Tòa án cho biết hành động của họ cũng vi phạm luật pháp Hàn Quốc về cạnh tranh công bằng và bảo vệ bí mật thương mại.

Theo thông tin bị đánh cắp, những người này đã tạo ra 24 bản thiết kế thiết bị làm sạch chất bán dẫn, và bán 14 máy làm sạch cho các công ty Trung Quốc cạnh tranh và một viện nghiên cứu giấu tên của Trung Quốc, với tổng giá trị khoảng 59,8 triệu USD.

Tòa án cho biết nhà nghiên cứu họ Nam đã thành lập liên doanh với một công ty Trung Quốc vào năm 2020, và chuyển giao công nghệ cho công ty này. Đổi lại, 7 người này mỗi người sẽ nhận được cổ phần trong công ty liên doanh ở Trung Quốc.

Hàn Quốc có 2 nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Chất bán dẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm khoảng 20% ​​kim ngạch xuất khẩu, và được bảo vệ như một “công nghệ cốt lõi của quốc gia”, với những hạn chế nghiêm ngặt về chuyển giao công nghệ và nhân sự trong ngành.

Về công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, Trung Quốc đã tụt hậu so với Đài Loan, Hàn Quốc và Hoa Kỳ nhiều năm. Các hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ đã khiến ngành công nghiệp chip của Trung Quốc thiếu hụt công nghệ và nhân tài nước ngoài cần thiết để phát triển tiếp.

Cáo buộc về hành vi trộm cắp liên quan đến các công ty lớn trong ngành công nghiệp chip cũng đã xuất hiện ở Hà Lan và Đài Loan.

Tuần trước, gã khổng lồ chế tạo thiết bị in thạch bản chip Hà Lan ASML thông báo, một cựu nhân viên Trung Quốc đã đánh cắp bí mật công nghệ được cấp bằng sáng chế của công ty này.

Một nguồn tin nói với Bloomberg rằng vi phạm xảy ra trong một kho lưu trữ chứa thông tin chi tiết về các hệ thống in thạch bản quan trọng, để sản xuất một số con chip tiên tiến nhất thế giới.

ASML cho biết, hành vi trộm cắp này không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ, nhưng có thể đã vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, khiến công ty này có thể bị phạt theo quy định.

Đây là sự cố đánh cắp bí mật thứ 2 liên quan đến Trung Quốc mà ASML gặp phải.

Hôm 18/2, nhà kinh tế tổng hợp của Đài Loan Ngô Gia Long (Henry Wu) đã phân tích với Epoch Times rằng tất cả các công nghệ chính của chip đều ở bên ngoài Trung Quốc và do các công ty Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên ông Tập đã phá hủy nó trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Mỹ.

“Toàn bộ quy trình sản xuất được chia thành nhiều phần. Ví dụ, công nghệ quang học của ASML ở Hà Lan, vật liệu hóa học đặc biệt ở Nhật Bản, bộ nhớ ở Hàn Quốc, xưởng đúc chip, thử nghiệm đóng gói cuối cùng đã hoàn thành ở Đài Loan và thiết kế phần mềm chất bán dẫn ở Mỹ, cũng có rất nhiều các thiết bị ở Mỹ,” ông nói.

“Trong tình thế cạnh tranh này, Trung Quốc phải hợp tác với Mỹ để cải thiện quan hệ Trung – Mỹ trước khi có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng ông Tập Cận Bình hiện đang chống lại Mỹ, và muốn tranh giành quyền lực thế giới, nên tất nhiên Mỹ đang chặn các công ty Trung Quốc về phương diện chất bán dẫn.”

Ngày 16/2, truyền thông Trung Quốc Đại Lục “TMTPOST” đã đăng bài viết chỉ ra, theo dữ liệu của nền tảng truy vấn thông tin doanh nghiệp Trung Quốc “Qichacha” (qcc.com), tổng cộng 5.746 công ty liên quan đến chip ở Trung Quốc đã bị thu hồi hoặc hủy đăng ký giấy phép vào năm 2022, tăng mạnh 68% từ 3.420 công ty vào năm 2021.

Bình Minh (t/h)