Nhận định “theo mức thu 2% phí công đoàn, các cấp công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được“, 8 hiệp hội doanh nghiệp cùng ký kiến nghị “giảm tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội” và toàn bộ hoặc tối đa phải được dành cho lợi ích của người lao động.

cong nhan lam duong
Một tốp công nhân làm đường ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: Lina Mo/Shutterstock)

Ngày 6/10, 8 hiệp hội ngành hàng gửi bản kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tổ chức và bộ, phòng, đóng góp đối với dự thảo lần 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 (sau đây gọi tắt là “Luật Công đoàn sửa đổi”).

Tám hiệp hội ngành hàng đứng chung kiến nghị gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI).

Bản kiến nghị tập trung lớn vào góp ý “giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội” “dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động”, bên cạnh những bất cập về các quy định trong luật khác của tổ chức công đoàn.

Doanh nghiệp đang phải đóng thuế 2 lần

Theo quan điểm của các hiệp hội, hiện tại có sự không đồng nhất giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo Điều 8, Luật Ngân sách Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội, do đó việc đảm bảo kinh phí hoạt động của hệ thống thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước (NSNN). Trong khi đó, Luật Công đoàn lại yêu cầu doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn.

“Khi đề cập tới các nguồn thu theo Điều lệ của các tổ chức này, chúng ta phải hiểu một cách minh bạch rằng các tổ chức chính trị-xã hội này chỉ được đưa ra các quy định về việc thu và quy định mức thu các khoản phí do các thành viên của tổ chức đóng góp. Trong trường hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là phí công đoàn do người lao động là đoàn viên công đoàn đóng góp”, không áp dụng cho các chủ thể nằm ngoài tổ chức – các hiệp hội nhận định.

Trong trường hợp Quốc hội quyết định tiếp tục thu kinh phí công đoàn từ doanh nghiệp, các hiệp hội kiến nghị khoản tiền này “không nhằm phục vụ cho hoạt động của các cơ quan trong hệ thống công đoàn đã được NSNN cấp kinh phí”, mà chỉ sử dụng cho người lao động tại doanh nghiệp.

Khi đó, cần đổi tên kinh phí công đoàn thành khoản tiền chăm lo cho lợi ích của người lao động. Khoản tiền này do Nhà nước quản lý chứ không phải do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nắm giữ (nhằm tách biệt hẳn khoản tiền này ra khỏi các chi phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – tức kinh phí hoạt động thuộc trách nhiệm của NSNN).

Cũng theo phân tích trên, các hiệp hội chỉ ra việc doanh nghiệp đang phải đóng thuế 2 lần, vì khi doanh nghiệp đóng thuế là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua NSNN. Do đó, việc phải trích nộp thêm kinh phí công đoàn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, các hiệp hội chỉ ra “theo mức thu 2% phí công đoàn, các cấp công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được”, vì Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2019, tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ năm 2013-2019) là 100.354 tỷ đồng. Tổng thu trung bình mỗi năm tăng 12%. So với năm 2012, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 đã tăng 2,3 lần, trong đó kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần.

Trong khi đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19. Thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất tạm hoãn thu kinh phí công đoàn (doanh nghiệp không được miễn nộp), tuy nhiên các điều kiện rất khắt khe nên các doanh nghiệp và người lao động cũng không tiếp cận được.

Các hiệp hội kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ lương, vì doanh nghiệp hiện đã tự nguyện cung cấp nhiều lợi ích cho người lao động, ngoài những lợi ích lao động được hưởng từ kinh phí công đoàn.

1 đồng chi cho người lao động thì mất 0,5 đồng chi lương phụ cấp và quản lý hành chính

Các hiệp hội nhận định các khoản chi trực tiếp cho người lao động từ công đoàn còn bị hạn chế.

Hiện tại, mức phân bổ kinh phí như sau: 69% tổng số thu do công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp sử dụng, 31% nộp công đoàn cấp trên. Tuy nhiên, theo Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước 2019, tại công đoàn cấp trên đang thừa nguồn tài chính, làm tăng tích lũy cuối kỳ trong khi ở cấp cơ sở thiếu nguồn chi.

Chi lương phụ cấp và quản lý hành chính chiếm tới 20.200 tỷ đồng, chiếm gần 26,3% tổng chi công đoàn. Theo đó, ước tính cứ 1 đồng chi cho người lao động thì mất 0,5 đồng chi lương phụ cấp và quản lý hành chính. So với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác (chỉ từ 43,7-60,7 triệu đồng), thì định mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn từ 500% tới cả nghìn % – theo bản kiến nghị.

Các hiệp hội đồng thời chỉ ra việc một số cấp công đoàn chỉ gửi các khoản tiền ngắn hạn hoặc không kỳ hạn là do không cân đối được nguồn thu và chi. Trong khi đó, các hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh-liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn còn chưa có cơ chế rõ ràng, minh bạch, chưa quy định thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc, trách nhiệm trả nợ, cũng không giám sát sử dụng vốn vay. Điều này khiến nhiều đơn vị đầu tư khó thu hồi vốn. Chưa kể các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy để đầu tư nhưng không lập dự toán, không được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán.

Do đó, 8 hiệp hội đề xuất kinh phí công đoàn phải được đối xử đúng ý nghĩa là chăm lo đời sống của người lao động, đầu tư vào các hoạt động của người lao động. Các hiệp hội kiến nghị “toàn bộ hoặc tối đa kinh phí công đoàn phải được dành cho lợi ích của người lao động”.

“Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh kiến nghị rằng không dùng kinh phí công đoàn làm kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong khi đảm bảo kinh phí hoạt động này thuộc về NSNN đã được quy định rõ trong Luật Ngân sách Nhà nước”, đại diện cho các doanh nghiệp nhấn mạnh.

Các hiệp hội kiến nghị cần có một cơ quan nhà nước độc lập thuộc Chính phủ, tách biệt với tổ chức công đoàn để quản lý nguồn kinh phí công đoàn, quyết định việc sử dụng, chi tiêu hiệu quả nhất cho người lao động.

Đặt trong tương quan cạnh tranh và minh bạch về nguồn tài chính, các hiệp hội kiến nghị cần tạo áp lực cạnh tranh để nâng cao tính độc lập và hiệu quả của hoạt động công đoàn. “Trong bối cảnh chúng ta sẽ cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện người lao động khác ngoài công đoàn, công đoàn phải chứng minh được tính độc lập, sự hấp dẫn và hiệu quả hoạt động để thu hút, canh tranh tầm ảnh hưởng của mình với các tổ chức đại diện người lao động khác – các tổ chức không nhận được kinh phí hoạt động từ NSNN”, đại diện của khối doanh nghiệp nêu.

Trong nội dung góp ý khác, các hiệp hội nêu những bất cập như phân quyền trong hệ thống công đoàn tại doanh nghiệp mẹ/con rất rối, không hiệu quả; bất cập trong quy định đóng kinh phí công đoàn; công đoàn không có quyền chủ trì, chỉ có quyền tham gia cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước; công đoàn cơ sở và tổ chức người lao động tại doanh nghiệp là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, cạnh tranh bình đẳng trên hiệu quả hoạt động thực tế…

Theo một thống kê do ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra tại một hội thảo tổ chức hồi tháng 4/2017, từ năm 1995 (khi Bộ luật Lao động có hiệu lực) đến thời điểm công bố, cả nước có trên 6.000 cuộc tranh chấp, đình công, nhưng không có cuộc nào do công đoàn lãnh đạo, với lý do “không có một cuộc nào được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật”.

Việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra bám theo lộ trình tăng hàng năm, để đạt yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW. Các mức đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra thường vấp phải sự phản đối của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện giới chủ sử dụng lao động, với quan điểm cần dưỡng sức cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh…

Bạn đọc có thể tham khảo đầy đủ nội dung kiến nghị tại đây.

Nguyễn Minh

Xem thêm: