Ả Rập Xê Út và Trung Quốc đã thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc với một loạt thỏa thuận chiến lược vào ngày 8/12 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó bao gồm một thỏa thuận với ‘gã khổng lồ’ công nghệ Huawei – tập đoàn đang ngày càng thâm nhập sâu vào vùng Vịnh Ả Rập, làm dấy lên mối lo ngại về an ninh của Hoa Kỳ. 

Embed from Getty Images

(Vua Salman của Ả Rập Xê Út và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình/Ảnh: Getty Images)

Vua Salman của Ả Rập Xê Út đã ký một “thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện” với ông Tập, người đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại quốc gia đang xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu mới bên ngoài phương Tây.

Xe của ông Tập được các thành viên của Lực lượng Vệ binh Hoàng gia Ả Rập Xê Út cưỡi ngựa Ả Rập mang theo cờ của hai nước hộ tống đến cung điện nhà vua, sau đó ông Tập đã tham dự một bữa tiệc chào mừng.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman, người trên thực tế đang quản lý quốc gia nhiều dầu mỏ này.  Thái tử Ả Rập đã chào đón chủ tịch Trung Quốc bằng một nụ cười ấm áp và ông Tập cũng dự báo trước “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ với Ả Rập.

Màn chào đón lần này hoàn toàn trái ngược với chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng Bảy. Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng bởi chính sách năng lượng của Ả Rập Xê Út và vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Hoa Kỳ đang cảnh giác theo dõi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và mối quan hệ giữa nước này với Ả Rập Xê Út. Hôm 13/12, Hoa Kỳ nhận định chuyến thăm của ông Tập là một ví dụ về nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng trên toàn thế giới của Trung Quốc, tuy nhiên điều này sẽ không thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Đông.

Ả Rập Xê Út đã thống nhất một thỏa thuận ghi nhớ với Huawei về dịch vụ điện toán đám mây và xây dựng các tổ hợp công nghệ cao tại nhiều thành phố của nước này, bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ và các đồng minh vùng Vịnh về rủi ro bảo mật có thể xảy ra khi sử dụng công nghệ từ tập đoàn Trung Quốc. Huawei hiện đã tham gia xây dựng mạng 5G ở hầu hết các quốc gia vùng Vịnh.

Để đánh bóng thêm uy tín quốc tế của mình, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết hôm 8/12 rằng Thái tử và Tổng thống UAE đã cùng nhau lãnh đạo các nỗ lực hòa giải để đảm bảo việc thả ngôi sao bóng rổ Hoa Kỳ Brittney Griner trong một cuộc trao đổi tù nhân với Nga.

Trong một bài viết đăng trên truyền thông Ả Rập Xê Út, ông Tập tuyên bố mình đang thực hiện một “chuyến đi tiên phong” để “mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới Ả Rập, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và Ả Rập Xê Út”.

Trung Quốc và các nước Ả Rập sẽ “tiếp tục giương cao khẩu ngữ không can thiệp vào công việc nội bộ”, ông Tập nhấn mạnh thêm.

Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, quan điểm này đã được lặp lại bởi Thái tử Ả Rập, người khẳng định rằng đất nước của ông phản đối bất kỳ “sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Trung Quốc nhân danh nhân quyền”.

Ông Tập Cận Bình, sau khi gặp gỡ các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh khác và tham dự một cuộc họp có sự góp mặt rộng rãi hơn từ các nhà lãnh đạo Ả Rập vào ngày 9/12, phát biểu rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực biến các cuộc hội nghị cấp cao này thành “sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Trung Quốc-Ả Rập” và rằng Bắc Kinh coi Ả Rập Xê Út là “một lực lượng quan trọng trong thế giới đa cực”.

Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh khác như UAE đã tuyên bố rằng họ sẽ không chọn phe giữa các cường quốc toàn cầu và đang đa dạng hóa các đối tác để phục vụ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.

“Đối tác tin cậy”

Trung Quốc, đất nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, là đối tác thương mại lớn của các quốc gia vùng Vịnh và quan hệ song phương đã mở rộng khi khu vực này thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế, làm dấy lên những chỉ trích của Hoa Kỳ về sự tham gia của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng nhạy cảm ở vùng Vịnh.

Hôm 7/12, Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út khẳng định nước này sẽ tiếp tục là đối tác năng lượng “đáng tin cậy” của Bắc Kinh và hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác về chuỗi cung ứng năng lượng bằng cách thành lập một trung tâm tại Vương quốc Ả Rập cho các nhà máy của Trung Quốc.

Theo hãng thông tấn SPA đưa tin, các công ty Trung Quốc và Ả Rập Xê Út cũng đã ký 34 thỏa thuận đầu tư vào năng lượng xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ đám mây, vận tải, xây dựng và các lĩnh vực khác. SPA không đưa ra con số cụ thể, tuy nhiên trước đó đã nói rằng hai nước sẽ ký kết các thỏa thuận ban đầu trị giá 30 tỷ USD

Ông Tang Tianbo, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) – một tổ chức tư vấn trực thuộc chính phủ Trung Quốc – nhận định chuyến thăm sẽ dẫn đến việc mở rộng hơn nữa hợp tác về năng lượng.

Vy An (Theo Reuters)