Liệu việc tỷ phú Jack Ma đến Việt Nam không chỉ để truyền cảm hứng, mà đằng sau đó còn là để dọn đường cho việc chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam?

Alibaba và những nỗi lo cho thương mại điện tử Việt Nam
Jack Ma (Ảnh: Techcrunch)

Từ chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử…

Vào tháng 4 năm ngoái, Alibaba đã tuyên bố chiếm quyền kiểm soát trang thương mại điện tử Lazada với khoản đầu tư lên đến 1 tỷ USD trong nỗ lực tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài thị trường Trung Quốc. Lazada là trang thương mại điện tử đang hoạt động rất hiệu quả ở 6 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, Lazada đã trở thành cái tên top đầu trong các sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo thống kê từ trang SimilarWeb trong đầu tháng 11/2017, Lazada VN xếp hạng thứ 16 trong top website ở Việt Nam với lượng truy cập 41,25 triệu/ tháng, bám sát là Thegioididong (xếp hạng 19) và Sendo (hạng 32), bỏ khá xa Tiki (xếp hạng 39) và Adayroi (xếp hạng 93).

Trong buổi kỷ niệm 5 năm thành lập tại Việt Nam vào đầu năm nay, đại diện doanh nghiệp này đã tiết lộ tham vọng cho kế hoạch phát triển đến năm 2020. Theo đó, ngoài việc duy trì đà tăng trưởng 2 con số mỗi năm, Lazada dự kiến sẽ thu hút 80% người mua sắm trực tuyến sử dụng dịch vụ của mình vào năm 2020, doanh thu trong ngày Cách mạng mua sắm trực tuyến 11/11/2020 sẽ đạt 100 triệu đô la.

Ngày 6/11 vừa qua, trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Alibaba đã được đề nghị hỗ trợ xây dựng gian hàng Việt Nam trên ứng dụng thương mại điện tử của Alibaba; hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về ứng dụng các mô hình thương mại điện tử. Thủ tướng cũng cho rằng việc Alibaba có mặt ở Việt Nam là tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển thương mại điện tử của Việt Nam. Từ sự “mở đường” này, có thể thấy một tương lai không xa doanh nghiệp này sẽ có được những ưu đãi và chính sách tốt về pháp lý, thể chế để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.

>> Luật an ninh mạng: Việt Nam có nên áp dụng giống Trung Quốc?

… đến thâm nhập vào thanh toán trực tuyến

Việc tập đoàn Alibaba gia nhập thị trường TMĐT Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã được dự liệu từ trước, nhưng chỉ tới gần đây, các động thái thúc đẩy việc thâm nhập thị trường mới được đẩy mạnh.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, tỷ phủ Jack Ma đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam, thực hiện vai trò là cổng kết nối với các tổ chức thanh toán quốc tế và mạng thanh toán Châu Á.

Tính đến năm 2016, NAPAS đang quản trị và vận hành một hệ thống kết nối liên thông mạng lưới 16.800 máy ATM, 220.000 máy POS, hơn 90 triệu thẻ của 43 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. NAPAS đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử kết nối với hơn 200 doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác cho khách hàng.

Trong khi đó, Alipay là mạng thanh toán trực tuyến chủ đạo của tập đoàn Alibaba. Kể từ khi ra mắt từ năm 2004 đến cuối năm 2016, Alipay đã sở hữu 54% lượng giao dịch trên thị trường thanh toán trực tuyến Trung Quốc, trở thành nền tảng thanh toán lớn nhất thế giới, vượt qua cả Paypal. Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với NAPAS, Alipay sẽ mở rộng hoạt động trên thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam.

>> Mỹ liệt trang web mua sắm Taobao của Alibaba vào danh sách bán hàng giả

Alibaba và những nỗi lo cho thương mại điện tử Việt Nam
Alipay (Ảnh: Bankingtech)

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mảng giao dịch thanh toán điện tử chỉ là một phần trong tham vọng của Alibaba đối với thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tập đoàn này còn nhắm đến tham vọng lớn hơn là xây dựng một hệ sinh thái trực tuyến toàn diện từ quảng cáo, vận chuyển đến thanh toán.

Tỷ phú Jack Ma đã từng tuyên bố vào năm 2015: “Chiến lược của Alibaba Group là xây dựng cơ sở hạ tầng của nền thương mại điện tử trong tương lai. Thương mại điện tử chỉ mới là bước đầu… Hơn một nửa nguồn lực của Alibaba Group đang làm việc trong những mảng quan trọng của hệ sinh thái này, bao gồm: logistic, tài chính internet, big data, điện toán đám mây, internet di động, quảng cáo…”

… tới nỗi lo hàng giả

Đằng sau bài nói chuyện truyền cảm hứng khởi nghiệp của tỷ phú Jack Ma, những lời tán dương và những cuộc đón tiếp rầm rộ là một nguy cơ lớn hơn đối với cả doanh nghiệp sản xuất trong nước lẫn người tiêu dùng Việt Nam. Đó là nguy cơ hàng giả.

Việc Alibaba sở hữu các sàn giao dịch tràn ngập hàng giả không còn xa lạ. Năm ngoái, Liên minh Quốc tế chống hàng giả (IACC) đã đình chỉ tư cách hội viên của công ty thương mại điện tử Alibaba, sau khi nhiều công ty hội viên cho rằng Alibaba là nơi bán hàng giả lớn nhất thế giới. Tiếp đó, các công ty như Gucci America, Michael Kors và Tiffani đã rút khỏi IACC để phản đối sự hiện diện của Alibaba trong liên minh với cáo buộc doanh nghiệp này đã gây tổn hại tới lợi nhuận của các công ty sản xuất, gây thiệt hại cho những người mua phải hàng giả, cũng như hỗ trợ cho những hoạt động rửa tiền của những tổ chức tội phạm.

Trang web Taobao nổi tiếng của Alibaba cũng đã được Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) liệt vào danh sách đen về bán hàng giả mạo và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2016.

Mặc dù USTR thừa nhận rằng Alibaba đã có những bước đi chống lại nạn sao chép trái phép và cam kết cắt giảm số lượng hàng lậu, hàng giả được bày bán trên trang web, nhưng mức độ báo cáo về hàng giả, hàng vi phạm bản quyền được giao dịch trên chợ trực tuyến này vẫn ở mức rất cao, đe dọa đến các ngành sản xuất, công nghiệp sáng tạo và cải tiến của Mỹ.

Ngay tại thị trường Trung Quốc, Alibaba từng bị Ban Quản lý Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC) xuất bản một cuốn sách trắng chỉ trích nặng nề việc đã không mạnh tay loại bỏ hàng giả, cũng như nạn hối lộ trong các vấn đề khác. Trước đó, SAIC thực hiện khảo sát cho thấy gần 60% sản phẩm trên Taobao là hàng giả. Tuy nhiên, điều thú vị là Sách trắng đã biến mất khỏi website của SAIC một cách bí ẩn sau đó không lâu, và được thay thế bằng một thông báo rằng người đứng đầu SAIC đã gặp Jack Ma và hai bên đã làm việc với nhau trong công cuộc chống hàng giả. Thông cáo cũng gọi Alibaba là “kiên định và kiên quyết” và chỉ coi sách trắng trước đó như là “những ghi chép” từ cuộc họp.

Khi khoảng 70% lượng hàng giả trên khắp thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc, trách nhiệm liên đới của Alibaba cần được xét tới. Việc khối lượng hàng giả này được phân phối một cách gián tiếp qua các website của Alibaba đã gây thiệt hại to lớn về kinh tế đối với nhiều nhà sản xuất trong nước trên nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.

Trong khi niềm tin vào hàng Việt chất lượng cao còn đang bị ảnh hưởng bởi vụ thương hiệu Việt đình đám Khaisilk bán hàng “Made in China”, thì sự thâm nhập ngày càng sâu của Alibaba vào thị trường Việt Nam có lẽ báo hiệu “lành ít dữ nhiều,” bởi doanh nghiệp Việt sẽ khó cạnh tranh hơn khi ngày càng nhiều hàng Trung Quốc với sự vượt trội về mẫu mã, tiện dụng, giá cả tràn ngập thị trường.

Tập đoàn Alibaba của Jack Ma còn có 1 biệt danh là “cá sấu sông Trường Giang” bởi đã đánh bại “cá mập” eBay ra khỏi thị trường Trung Quốc. Hẳn Việt Nam sẽ phải cẩn thận khi thả bất cứ loài ăn thịt nào vào hệ thống sông ngòi của mình…

Nhiều người trẻ Việt Nam đang phát cuồng vì hình tượng làm giàu tự thân của Jack Ma. Những lời “có cánh” của tỷ phú Jack Ma trong buổi chia sẻ về khởi nghiệp, liệu có đơn thuần chỉ để truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt? Nội dung của buổi nói chuyện xoay quanh những thương mại điện tử, thanh toán trên di động giống một buổi tiếp thị để kiếm thị trường. Đằng sau lớp áo của gã thương gia, liệu có sự chuẩn bị nào cho “39 tên cướp” rộng đường vào Việt Nam?

Tuệ Minh

Xem thêm: