Hàng ngàn nhân viên kho hàng của Amazon trên khoảng 40 quốc gia có kế hoạch tham gia các cuộc biểu tình và đình công trùng với đợt giảm giá Black Friday, một trong những ngày mua sắm trực tuyến bận rộn nhất trong năm, Bloomberg đưa tin.

Embed from Getty Images

Theo Bloomberg, các nhân viên Amazon ở Mỹ, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Nam Phi và khắp châu Âu đang tham gia vào chiến dịch có tên “Làm cho Amazon phải trả tiền”, trong đó yêu cầu mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc.

Chiến dịch đang được điều phối bởi một liên minh công đoàn quốc tế, với sự hỗ trợ của các nhóm xã hội dân sự và môi trường.

Christy Hoffman, tổng thư ký của UNI Global Union, một trong những nhà tổ chức, cho biết: “Đã đến lúc gã khổng lồ công nghệ phải chấm dứt ngay các hành vi tồi tệ, không an toàn của họ, tôn trọng luật pháp và đàm phán với những người lao động muốn cải thiện công việc của họ.”

Theo Bloomberg, các công đoàn ở Pháp và Đức – CGT và Ver.di – đang dẫn đầu cuộc đình công mới nhất này, với các cuộc đình công phối hợp tại 18 nhà kho lớn nhằm mục đích làm gián đoạn các chuyến hàng trên khắp các thị trường trọng điểm của châu Âu.

Tại Vương quốc Anh, các công nhân liên kết với công đoàn GMB đã lên kế hoạch biểu tình bên ngoài một số nhà kho, gồm cả Coventry.

Amanda Gearing, một nhà tổ chức cấp cao của GMB, cho biết: “Công nhân của Amazon ở Coventry đang làm việc quá sức, bị trả lương thấp và họ đã chịu đủ,” đồng thời cho biết thêm rằng “hàng trăm” người sẽ tập hợp lại để yêu cầu tăng lương từ 10,50 bảng Anh (12,75 đô la Mỹ) một giờ lên 15 bảng Anh. (18 đô la Mỹ).

Tại Mỹ, các cuộc biểu tình và tuần hành sẽ diễn ra tại hơn 10 thành phố và bên ngoài một khu chung cư trên Đại lộ số 5, New York, nơi người sáng lập Amazon Jeff Bezos có một căn hộ.

Nhiều cuộc biểu tình cũng được lên kế hoạch ở Ấn Độ trong khi ở Nhật Bản, các thành viên của một liên minh được thành lập gần đây sẽ biểu tình trước trụ sở quốc gia của công ty ở Tokyo. Tại Bangladesh, công nhân may mặc trong chuỗi cung ứng của Amazon sẽ tuần hành ở Dhaka và Chittagong.

Một số cuộc biểu tình sẽ tập trung vào các vấn đề xã hội và môi trường của Amazon, chẳng hạn như ở Ireland, nơi mọi người sẽ tập trung bên ngoài văn phòng của công ty ở Dublin để phản đối hai trung tâm dữ liệu mới được lên kế hoạch trong thành phố.

Tại Nam Phi, những người biểu tình sẽ tập trung gần các văn phòng mới của Amazon ở Cape Town, nơi đang được phát triển trên vùng đất mà người dân bản địa coi là thiêng liêng.

Một số công đoàn bày tỏ lo ngại về tình hình kinh tế hiện tại trong bối cảnh cảnh báo từ Amazon rằng mùa Giáng sinh cao điểm của họ có thể không bận rộn như thường lệ. Quyết định sa thải 10.000 nhân viên của công ty cũng sẽ khiến việc đàm phán tiền lương trở nên khó khăn hơn.

Căng thẳng với người lao động là một vấn đề kéo dài tại gã khổng lồ thương mại điện tử. 

Người phát ngôn của Amazon David Nieberg cho biết: “Mặc dù chúng tôi không hoàn hảo trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng nếu bạn nhìn một cách khách quan vào những gì Amazon đang làm trong những vấn đề quan trọng này, bạn sẽ thấy rằng chúng tôi rất coi trọng vai trò và tác động của mình”.

Ông trích dẫn mục tiêu của công ty là đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040 và công ty “tiếp tục đưa ra mức lương cạnh tranh và những lợi ích tuyệt vời, đồng thời tìm tòi ra những phương cách mới để đảm bảo cho nhân viên của chúng tôi an toàn và khỏe mạnh”.

Ngân Hà (theo Bloomberg)