Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng việc tự do hóa các khuôn khổ về truyền tải dữ liệu xuyên biên giới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có thêm hơn 70.000 việc làm và GDP tăng thêm 3,4 tỷ USD.

an ninh mang
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Sáng ngày 4/12, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ đã đưa ra các khuyến nghị cho phát triển môi trường không gian mạng và nền kinh tế số tại Việt Nam.

Theo đó, AmCham cho rằng một khuôn khổ an ninh mạng được thiết lập tốt có thể tạo thuận lợi cho hệ sinh thái không gian mạng, tuy nhiên, cần tránh các điều khoản áp đặt gánh nặng không cần thiết mà không có lợi ích tương ứng.

Những điều khoản rắc rối không chỉ ngăn cản thương mại và đầu tư, mà còn có tác động bất lợi đến an ninh mạng”, AmCham đề cập.

Hiệp hội này cho hay trong nền kinh tế số ngày nay, các dịch vụ toàn cầu được củng cố bởi luồng dữ liệu toàn cầu, tất cả mọi hoạt động từ thanh toán đến email đều dựa trên dữ liệu được phép tự do xuyên biên giới.

Do đó, AmCham bày tỏ lo ngại việc triển khai Luật An ninh mạng Việt Nam sẽ buộc cục bộ hóa dữ liệu, có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Tổ chức này dẫn báo cáo về Cộng đồng kinh tế ASEAN của Deloitte năm 2017, chỉ ra rằng có hơn 2/3 nhà đầu tư không thoải mái khi đầu tư vào các quốc gia mà họ buộc phải lưu trữ dữ liệu cục bộ.

Bên cạnh đó, việc ngăn chặn luồng dữ liệu tự do khiến cho sự kết nối trở nên tốn kém hơn cho người dân và doanh nghiệp, tại thời điểm mà việc giảm thiểu chi phí kết nối được coi là thiết yếu để mở rộng cơ hội kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế số và tạo thêm phúc lợi ở Việt Nam.

Sự ngăn chặn này cũng làm suy yếu khả năng tồn tại và sự tin cậy của các dịch vụ dựa trên các “đám mây” trong một loạt lĩnh vực kinh doanh cần thiết cho nền kinh tế số hiện đại”, Hiệp hội AmCham cho hay.

Ngược lại, tổ chức này đánh giá việc thực thi tự do hóa các khuôn khổ về truyền tải dữ liệu xuyên biên giới sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam, như tăng GDP thêm 3,4 tỷ USD, tăng đầu tư thêm 920 triệu USD, thu nhập công tăng thêm 130 triệu USD, tạo thêm hơn 70.000 việc làm mới…

Việc đảm bảo luồng chảy tự do của dữ liệu là rất quan trọng và chúng tôi hy vọng được làm việc với các lãnh đạo Việt Nam về các tiếp cận chính sách nhằm thúc đẩy các mục tiêu cơ bản của Luật An ninh mạng, đồng thời giảm thiểu sự gián đoạn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam”, AmCham bày tỏ.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng chính phủ Việt Nam nên đánh giá rộng hơn mức độ ảnh hưởng của Luật An ninh mạng tới giới đầu tư trực tiếp nước ngoài và cả nền kinh tế.

Nếu Nghị định Luật An ninh mạng được đưa vào áp dụng, Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa.

Điều này, theo EuroCham, sẽ tạo sự ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Do đó, để đảm bảo khả năng cạnh tranh bền vững, EuroCham khuyến nghị Chính phủ nên cân nhắc áp dụng một hệ thống phân loại dữ liệu mà trong đó, chỉ có dữ liệu an ninh quốc gia mới lưu trữ tại Việt Nam. Còn các dữ liệu không nhạy cảm (công khai) và dữ liệu thương mại (cần được bảo mật) có thể được lưu trữ bên ngoài Việt Nam.

Điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến các công ty trong nước đang sử dụng điện toán đám mây, mạng xã hội, thanh toán trực tuyến và các công nghệ thông minh trong vận hành doanh nghiệp, vốn đang được cung cấp bởi hầu hết các nhà cung cấp nước ngoài.

Liên quan đến tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, Hiệp hội các Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho biết cuộc khảo sát mới đây chỉ ra có khoảng 1/3 doanh nghiệp của nước này ở Trung Quốc đã di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại.

Điều đó đang mang lại lợi ích cho các nước trong khu vực, tuy nhiên, AmCham lưu ý để tận dụng được cơ hội, Việt Nam cần cải cách thủ tục hành chính, khung pháp lý và chính sách thuế ổn định.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: