Bộ Công thương Ấn Độ hôm thứ Sáu (13/5) loan báo rằng New Delhi sẽ cấm xuất khẩu lúa mì và lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.

Embed from Getty Images

Bộ Công thương Ấn Độ nói rằng động thái kịch tính này là cần thiết vì “giá lúa mì thế giới tăng đột biến, điều đó khiến an ninh lương thực của Ấn Độ, các nước láng giềng và các quốc gia dễ bị tổn thương khác rơi vào rủi ro”.

Chiến tranh Nga-Ukraine đã đang đặt thế giới vào bờ vực của một cuộc khủng khoảng lương thực lớn khi hai quốc gia tham chiến này là nguồn cung chính lúa mì cho thế giới, chiếm khoảng 30% khối lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

Giá lương thực trên thế giới hiện đã tăng thêm 1/3. Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng khoảng 44 triệu người sẽ bị đói.

Đã có những hy vọng rằng Ấn Độ vốn là quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, sẽ có thể bù đắp được lượng thiếu hụt lúa mì toàn cầu khi New Delhi đã dự báo sẽ có vụ mùa năng suất kỷ lục 111,3 triệu tấn và dành riêng 10 triệu tấn đến 15 triệu tấn cho xuất khẩu.

Hồi tháng Tư, Ấn Độ loan báo rằng các kho dự trữ lúa mì của họ đã đầy và rằng họ sẵn sàng “nuôi sống thế giới”.

Tuy nhiên, nắng nóng bất thường trong mùa xuân đã khiến các kế hoạch của Ấn Độ phải dừng lại. Nhiệt độ cao khiến cho ngũ cốc ở nhiều khu vực trên khắp Ấn Độ bị chín và khô sớm. Điều này khiến vụ thu hoạch ngũ cốc của nông dân Ấn Độ giảm 15% đến 20% so với năm ngoái.

Theo truyền thông địa phương, chính phủ Ấn Độ hiện đã sửa lại ước tính sản lượng thu hoạch lúa mì năm nay xuống còn 95 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ vụ mùa 2015-2016.

Bộ Công thương Ấn Độ cho biết thêm rằng bất chấp lệnh cấm có hiệu lực ngay, New Delhi vẫn cho phép chuyển hàng cho các đối tác đã phát hành thư tín dụng thanh toán đơn hàng trước ngày 13/5.

Cơ quan quản lý thương mại và công nghiệp Ấn Độ nói rằng với tất cả các đơn hàng xuất khẩu lúa mì sau ngày 13/5 sẽ cần phải xin giấy phép đặc biệt của chính phủ Ấn Độ. Giấy phép này có thể được cấp trong trường hợp các quốc gia cần mua lúa mì “để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của họ”.

Hải Đăng (Theo RT)