Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan không ngừng khắp thế giới, hầu hết các ông lớn như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh, Nhật… đều tiến hành cắt giảm lãi suất hoặc đưa ra những gợi ý về thay đổi chính sách tiền tệ trong các cuộc họp sắp tới.

shutterstock 1446733541
(Ảnh: Shutterstock)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hôm 2/3 cảnh báo, dịch bệnh COVID-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay nhiều khả năng chỉ đạt 2,4% – giảm 0,5 % so với dự đoán hồi tháng 11-2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, khẳng định với Reuters: “Thông điệp chính từ kịch bản này là COVID-19 có thể đẩy nhiều quốc gia vào suy thoái kinh tế. Đây là lý do vì sao chúng tôi đang kêu gọi triển khai các biện pháp ứng phó càng sớm càng tốt tại những khu vực bị ảnh hưởng.”

Mới đây, hôm 3/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giảm 0,5% lãi suất cơ bản từ mức 1,5-1,75% xuống 1%-1,25. Đây là mức giảm lãi suất lớn nhất của FED kể từ năm 2008.

Trong năm 2019, FED đã có 3 lần giảm lãi suất, mỗi lần hạ 25 điểm cơ bản xuống mức 1,5-1,75%/năm. Tuy nhiên, cuối 2019 và đầu 2020, FED đã phát đi tín hiệu cho biết có thể sẽ ngừng cắt giảm lãi suất thêm nữa. Như vậy, quyết định lần này là trái ngược với tuyên bố của FED trong biên bản cuộc họp gần nhất. Động thái này cho thấy triển vọng của kinh tế Mỹ không mấy lạc quan. Chỉ trong vòng một tuần qua, chứng khoán Mỹ vừa trải qua một thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử với những phiên giảm trên 1.000 điểm và vốn hóa bốc hơi hàng nghìn tỷ USD.

Hiện các nhà đầu tư vẫn hết sức lo ngại khả năng suy thoái kinh tế khi các nước đang đối mặt với xu hướng suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, khiến chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị gián đoạn, đồng thời hệ thống tài chính Mỹ cũng đang bị đe dọa.

Cũng trong ngày 3/3, Ngân hàng Dự trữ Úc – Ngân hàng Trung ương của Úc (RBA) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản bớt 25 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục 0,5%. Trước đó, TTCK Úc đã chứng kiến những phiên tụt giảm mạnh và vốn hóa của thị trường này đã bốc hơi khoảng 130 tỷ USD. Đồng đô-la Úc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên gần đây.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất trong tuần tới.

Chính phủ Đức cũng cho biết đã sẵn sàng khởi động gói kích thích tài khóa 3 giai đoạn để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tín dụng từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Giai đoạn thứ hai có thể tính tới khả năng hoãn thuế. Ở giai đoạn ba, trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở mức độ lớn và các công ty đóng cửa, Đức sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như đã được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong đó có việc đảm bảo khả năng thanh khoản của các công ty, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật cũng sẽ có “những biện pháp cần thiết” để bình ổn thị trường tài chính. 

Bản thân Trung Quốc, nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, đã giảm lãi suất và bơm một lượng tiền lớn vào thị trường.

Trong khi đó, G7 cũng dự kiến sẽ phát ra một thông báo vào ngày 3 hoặc 4/3 về kế hoạch giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế, về cơ bản cũng xoay quanh các biện pháp hạ lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế. 

Minh Ngọc

Xem thêm: