Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,31% so với tháng trước khi có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

gia dien
CPI tháng 4 tăng 0,31% trong sự co kéo của tăng giá điện, giá xăng dầu và giảm của giá thực phẩm, chính sách tiền tệ linh hoạt. (Ảnh minh họa/evn.com.vn)

Theo số liệu vừa công bố vào sáng 29/4 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng cục Thống kê nhận định việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng CPI trong tháng, tuy nhiên diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng và chính sách tiền tệ linh hoạt đã giúp kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, trong tháng 4, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/4 và thời điểm 17/4 (tác động làm CPI chung tăng 0,41%); giá vé tàu hỏa tăng 2,76% do nhu cầu đi lại vào dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4-1/5.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6%, chủ yếu do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3 khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,85% so với tháng trước; giá gas tăng 1,42%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,98%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; nhóm giáo dục tăng 0,05% do chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,76%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.

Có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,57%) và nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,07%).

CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ,giảm do lương thực giảm 0,39% (chủ yếu do giá gạo xuất khẩu giảm), thực phẩm giảm 0,87% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm (trong đó giá thịt lợn giảm cao nhất, 3,07% so với tháng).

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

CPI tháng 4/2019 tăng 1% so với tháng 12/2018 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cuối tháng 3, đầu tháng 4, việc tiêu thụ điện tăng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58 triệu kWh/ngày và đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20/4) tại Hà Nội; tăng từ 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày, sản lượng ngày cao nhất đến thời điểm này là 90,04 triệu kWh (24/4) tại TP.HCM.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ của TP.HCM hiện đang tăng cao kỉ lụcTính đến ngày 25/4, tổng điện năng tiêu thụ của thành phố trong tháng 4 đã đạt 2,05 tỷ kWh. Dự báo tổng điện năng tiêu thụ cả tháng sẽ đạt gần 2,45 tỷ kWh, tăng 48,4% so với tháng 2 (1,65 tỷ kWh) và cao nhất từ trước đến nay.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: