Ngày 8/5, trang tin Nhật báo Đông phương tại Hồng Kông đưa tin, Apple sẽ chuyển 30% sản lượng AirPods ra khỏi Trung Quốc, sản lượng tai nghe không dây của Apple trong quý này sẽ được các nhà máy ở Việt Nam gia công.

Hình ảnh tai nghe không dây AirPods của Apple
Tai nghe không dây AirPods của Apple. (Ảnh: Shutterstock)

Bên cạnh đó, theo thông tin của Nikkei, việc Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam chưa bao gồm AirPods Pro – phiên bản cao cấp với các tính năng khử tiếng ồn mà Apple giới thiệu vào tháng 10 năm ngoái. Khoảng 3-4 triệu tai nghe, tức 30% tổng sản lượng AirPods, sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào quý này.

Giám đốc điều hành một chuỗi cung ứng tiết lộ rằng, để phân tán năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các hãng công nghệ lớn Mỹ vẫn cần phải tìm các cơ sở sản xuất mới, đây là xu hướng không thể đảo ngược. Một số quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Châu Mỹ và các nước Đông Nam Á khác đều nằm trong danh sách lựa chọn của các công ty Mỹ.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, các sản phẩm điện tử sản xuất ở Trung Quốc bị chính quyền Trump áp thuế nặng, từ đó nhiều công ty quốc tế đã dần dịch chuyển năng lực sản xuất ra khỏi nước này. Đầu năm nay, khi virus viêm phổi Vũ Hán lan rộng ở Trung Quốc, các nhà máy lần lượt đóng cửa, làm phá vỡ chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới, đồng thời cũng thúc đẩy mạnh hơn nữa quá trình các công ty rút vốn  khỏi Trung Quốc.

Ngày 20/4, theo trang công nghệ 9to5Mac đưa tin, tài liệu Chính phủ Brazil cho biết hãng Apple dự tính sẽ để các dòng iPhone SE mới ra đời tại nước này. Nhà máy Foxconn tại Brazil được cân nhắc là một trong những cơ sở để xây dựng dây chuyền sản xuất lắp ráp này.

Apple chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, Foxconn, nhà máy chế tạo linh kiện lớn nhất của Apple tại Trung Quốc là công ty chịu thiệt hại lớn nhất. Ngày 7/5, Yahoo đưa tin cho thấy doanh số iPhone toàn cầu bị giảm mạnh do ảnh hưởng của virus viêm phổi Vũ Hán, kéo theo sụt giảm đơn đặt hàng với Foxconn, buộc một số nhân viên của Foxconn phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương và tự nguyện tạm nghỉ.

Ngày 6/5, theo tin tức từ trang Jiemian.com Trung Quốc, hiện Foxconn phải áp dụng ba chính sách đối với nhân viên bao gồm: tự nguyện nghỉ phép dài hạn; được đi làm nhưng giảm lương hoặc nhận lương cơ bản; tự nguyện nghỉ việc.

Giữa tháng 4/2020, một công nhân của Foxconn Trịnh Châu cho biết, do đơn đặt hàng giảm mạnh, nhà máy hiện đã ngưng tuyển dụng và không yêu cầu làm tăng ca. Trước đây, anh có thể kiếm được bốn hoặc năm nghìn tệ một tháng, nhưng hiện giờ không được làm tăng ca khiến thu nhập sụt giảm còn chỉ được hơn một ngàn tệ. Đó là lý do nhiều người đã phải nghỉ việc, hoặc xin chuyển tới các nhà máy khác.

Một nhân viên khác của Foxconn Thâm Quyến còn cho biết, bộ phận của anh chủ yếu chịu trách nhiệm lắp ráp màn hình iPhone đã phải “tự nguyện nghỉ phép” và có thể nhận mức lương cơ bản 690 tệ mỗi tháng trong kỳ nghỉ (tương đương 2 triệu đồng).

Mộc Lan

Xem thêm: