Gia tộc tỷ phú Hồng Kông – Lý Gia Thành (Li Ka-shing) đã bán một số tài sản tại Anh và đầu tư vào Việt Nam trong 2 năm qua. Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người phụ nữ gốc Hoa với cơ ngơi bậc nhất Việt Nam đang hợp tác với ông Lý Gia Thành, đã bị bắt hôm 8/10. Điều này được cho có thể sẽ gây ra phản ứng dây chuyền đến việc kinh doanh của gia tộc này.

Lý Gia Thành
Tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành. (Ảnh: Epoch Times)

Ông Lý Gia Thành có giá trị tài sản ròng 34,8 tỷ USD, đứng thứ 37 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes năm 2022. Ông cũng đứng đầu trong số những người giàu nhất thế giới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Trên thực tế, ngay sau khi rút vốn từ việc bán một số tài sản ở Anh, ông Lý Gia Thành đã tìm thấy thị trường mới cho số vốn này, đó là Việt Nam. Về địa lý, TP.HCM cách Hồng Kông 1.500 km theo đường bay đã trở thành mục tiêu đầu tư mới nhất của ông.

Vào tháng Tư, Tập đoàn Cheung Kong Holdings của ông Lý Gia Thành và Tập đoàn ORIX của Nhật Bản đã có cuộc gặp với Chủ tịch TP.HCM – ông Phan Văn Mãi, để thảo luận về việc đầu tư vào thành phố này.

Tại cuộc họp, ông Triệu Quốc Hùng (Justin Chiu), Chủ tịch của Tập đoàn Cheung Kong Holdings, cho biết Cheung Kong hứa sẽ cùng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rót rất nhiều vốn vào các lĩnh vực này trong thời gian sớm nhất có thể, đưa TP.HCM trở thành trung tâm chiến lược về tài chính và công nghệ; đồng thời hứa hẹn thúc đẩy các dự án bất động sản cao cấp, bao gồm khu dân cư, văn phòng, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và các lĩnh vực kinh doanh khác.

Một lần nữa, ông Lý Gia Thành vội vã dịch chuyển tài sản của mình, và quan tâm tìm hiểu Việt Nam. Tuy nhiên, đối tác tại Việt Nam của ông Lý Gia Thành, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 8/10, vì nghi ngờ gian lận tài chính trên thị trường trái phiếu. Sự việc này gây chấn động trong dư luận ở Việt Nam và ảnh hưởng đến một số công ty, tập đoàn tài chính có liên quan.

Không có nhiều thông tin công khai về bà Trương Mỹ Lan, nhưng danh hiệu được biết đến nhiều nhất của bà trong giới kinh doanh là “người phụ nữ gốc Hoa giàu nhất Việt Nam”.

Năm 1992, Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát được thành lập. Công ty khởi nghiệp từ lĩnh vực thương mại, sau đó mở rộng sang lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và các lĩnh vực khác. Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hơn 30 năm, đến nay công ty này đã phát triển thành một tập đoàn doanh nghiệp tư nhân có tiếng tại Việt Nam.

Vì tập đoàn này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nên người ngoài không thể biết bà Trương Mỹ Lan có bao nhiêu tài sản, chỉ biết rằng bà đang kiểm soát tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam, và cũng là người đóng thuế lớn ở Việt Nam.

Năm 2006, bà Trương Mỹ Lan nhắm đến thị trường bất động sản Hồng Kông và chi hơn 800 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 101,92 triệu USD) mua lại một số khu dân cư sang trọng tọa lạc tại số 8 đường Severn, Hồng Kông, do công ty Sun Hung Kai Properties phát triển.

Sau khi thành công vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bà Trương Mỹ Lan đã chớp lấy cơ hội để giành được rất nhiều khu đất vàng, đặc biệt là tại TP.HCM, các khu đất có giá trị và phát triển nhanh nhất Việt Nam. Tòa nhà bất động sản mang tính bước ngoặt của tập đoàn này là Saigon Times Square, được phát triển bởi công ty của bà.

Đặc biệt trong năm 2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chính thức hợp tác với Tập đoàn Cheung Kong, công ty con của ông Lý Gia Thành, cùng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đã dấy lên cơn bão tài chính “chống tham nhũng”, bà Trương Mỹ Lan chỉ là một người trong số đó. Theo cơ quan công an Việt Nam, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo hàng nghìn tỷ Việt Nam đồng, bằng cách hứa mua trái phiếu lãi suất cao và các phương thức khác, đồng thời có những hành vi bất thường trong việc thu mua đất.

Theo số liệu, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chủ yếu mở rộng hoạt động bằng cách thành lập các doanh nghiệp là Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn đầu tư An Đông và một số công ty khác có vốn điều lệ từ vài nghìn tỷ đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB), ngân hàng bị tình nghi có liên quan đến bà, cũng bị giới chức Việt Nam điều tra.

Trong một khoảng thời gian ngắn đã xuất hiện một cuộc đột biến rút tiền gửi ngân hàng. Đáp lại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng ngay lập tức đứng ra giải thích Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB, và bà Trương Mỹ Lan không giữ bất kỳ chức vụ quản lý của ngân hàng nên sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của SCB.

Tuy vậy, xuất phát từ nỗi lo mất tiền và nhiều nguyên nhân khác, người dân vẫn đổ xô đi rút tiền và khiến ngân hàng SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước từ ngày 15/10. Ngay sau đó, hàng loạt lãnh đạo của ngân hàng SCB cũng bị thay thế bởi 5 nhân sự đến từ ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là đối tác của ông Lý Gia Thành tại Việt Nam, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, điều này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển kinh doanh của ông Lý Gia Thành tại Việt Nam.