Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất bỏ xét nghiệm COVID-19 trước khi bay, giảm bớt các thủ tục vốn đang là rào cản hạn chế dòng khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cần mở rộng thêm danh sách miễn thị thực để đa dạng thị trường hơn.

khach quoc te den viet nam mo cua du lich quoc te viet nam mo cua du lich chua hieu qua
Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, nhưng quý 1 chỉ đón được khoảng 22.358 lượt. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 6/5, Ban IV cho biết thời gian qua về mặt khách quan và chủ quan, Việt Nam vẫn chưa thu hút được lượng khách quốc tế như mong muốn, hiệu quả mở cửa du lịch còn thấp.

Đối với nguyên nhân khách quan, Ban IV cho rằng chiến tranh giữa Nga-Ukraine khiến Việt Nam không thể đón được nguồn khách từ hai quốc gia này, chiến tranh cũng khiến chi phí tour tăng cao (giá nhiên liệu tăng, quãng đường bay xa hơn do các vùng cấm bay, thu nhập của khách quốc tế bị ảnh hưởng) nên khách ngần ngại đi du lịch thời điểm này.

Tiếp theo, một số thị trường trọng điểm còn chưa thể đón khách như Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero-COVID, không mở cửa du lịch với Việt Nam. Ngoài ra, Đài Loan và Nhật Bản còn áp dụng cách ly đối với khách du lịch từ Việt Nam bay trở về nên chưa có hy vọng đối với các thị trường này. Riêng Hàn Quốc cũng chỉ vừa gỡ yêu cầu cách ly từ ngày 1/4/2022.

Báo cáo trên dẫn thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết trong tháng 3, Việt Nam đón được khoảng 15.000 lượt khách du lịch quốc tế. Tính chung 3 tháng đầu năm đón được 22.358 lượt. Sau hai tháng mở cửa du lịch hôm 15/3, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn thấp.

Đối với việc chủ quan, Ban IV cho biết thời điểm mở cửa du lịch vào cuối chu kỳ của dòng khách quốc tế hằng năm do đó ít khách hào hứng đi du lịch. Bên cạnh đó, cơ quan ban ngành thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước đó một vài tháng để thu hút và xây dựng niềm tin cho các thị trường khách mục tiêu, nên hiệu ứng hấp dẫn khách quốc tế còn kém ngay sau khi công bố quyết định mở cửa.

Hiện nay, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế đang chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ. Các trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới đang thiếu cập nhật thường xuyên, trình bày không trực quan, còn khó hiểu.

Ngoài ra, chính sách miễn thị thực chưa quay trở lại như trước dịch COVID-19, gây cản trở và khó khăn cho các thị trường khách quốc tế ở xa.

Ban IV đề xuất Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cần mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan,… để thay thế cho các thị trường khách đang bị nghẽn như trên; tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn,…

Hơn nữa, Ban IV đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh, chỉ cần xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho…; bỏ yêu cầu bảo hiểm “bao gồm nội dung dành cho điều trị COVID.”

Trước đó, Bộ Y tế Việt Nam vừa yêu cầu gỡ bỏ việc khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu từ ngày 27/4 và ngừng việc khai báo y tế nội địa từ hôm 30/4.

Tuyết Minh