Vì tuyên bố tạm dừng dùng bông Tân Cương do quan ngại vấn đề vi phạm nhân quyền trong sử dụng lao động khiến thương hiệu quần áo quốc tế H&M bị chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền lên án. Tương tự H&M, một số thương hiệu quốc tế khác như Nike và Adidas… cũng trở thành mục tiêu. Hiện nay, công luận đang chú ý sự biến động của giá cổ phiếu những thương hiệu liên quan.

Tẩy chay hàng nước ngoài 2
(Ảnh ghép)

Tuyên bố của thương hiệu quần áo Thụy Điển nổi tiếng H&M được đưa ra ngày 20/3 năm ngoái, cho biết họ đặc biệt quan tâm các báo cáo từ các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông liên quan đến lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử tôn giáo đối với các dân tộc thiểu số khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Tuyên bố nêu rõ, “Chúng tôi nghiêm cấm bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức nào trong chuỗi cung ứng…. Chúng tôi không hợp tác với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở Khu tự trị Tân Cương, cũng như không tìm nguồn sản phẩm từ khu vực này”.

Phần cuối tuyên bố chỉ ra bông mà lâu nay tập đoàn H&M mua từ Tân Cương luôn đến từ các nông trang có chứng nhận bởi “Hiệp hội Phát triển ​​Bông tốt hơn” (Better Cotton Initiative, BCI) của Thụy Sĩ. Do ngày càng khó khăn để thẩm định độ tin cậy trong hoạt động sử dụng lao động ở khu vực Tân Cương nên BCI đã quyết định đình chỉ vấn đề cấp chứng nhận xác định quy chuẩn về bông trồng ở Tân Cương. “Điều này có nghĩa là bông của chúng tôi sẽ không còn được mua từ đó nữa”.

Gần đây, tuyên bố này đã bị giới chức trách Trung Quốc lật lại và tập trung chỉ trích nặng nề.

Tập đoàn H&M có 505 cửa hàng ở Trung Quốc, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 của H&M. Doanh thu của H&M tại Trung Quốc trong năm tài chính tính đến tháng 11/2020 đạt 9,7 tỷ krona Thụy Điển (khoảng hơn 1,1 tỷ USD), chiếm 5% doanh thu hàng năm của H&M vào năm 2020.

Ngày 25/3, Nhật báo Thụy Điển cho biết giá cổ phiếu của H&M trên Sở giao dịch chứng khoán Stockholm đã giảm 1,8%, làm giá trị thị trường lưu hành ngày hôm đó bốc hơi khoảng 6,3 tỷ krona Thụy Điển. Nhưng qua ngày 26/3, giá cổ phiếu của H&M đã tăng trở lại.

Hiện nay, vấn đề này vẫn đang là điểm chú ý, đặc biệt liên quan đến các thương hiệu quần áo nổi tiếng quốc tế khác như Nike, Adidas, Puma… Sau khi bị giới chức Trung Quốc chỉ trích vì đưa ra những tuyên bố tương tự như H&M, nhiều nghệ sĩ thân Bắc Kinh cũng ra tuyên bố ngừng tham gia quảng bá cho những thương hiệu này.  

Tính đến thời điểm đóng cửa chứng khoán Mỹ trong ngày 25/3, cổ phiếu Nike giảm 3,39% xuống 128,64 USD, chỉ trong ngày đã bốc hơi khoảng 7,1 tỷ USD giá trị thị trường của chứng khoán Mỹ.

Trong cùng ngày, trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức), Adidas cũng sụt giảm hơn 6,49% xuống 261,55 euro, và giá trị thị trường lưu hành hàng ngày bốc hơi khoảng 3,5 tỷ euro.

Tuy nhiên hãng bán lẻ thời trang Muji của Nhật Bản đang làm điều ngược lại, khác với các thương hiệu nổi tiếng quốc tế từ chối sử dụng vải cotton Tân Cương, trong mục “Cotton Tân Cương” trên trang web chính thức của hãng tại Trung Quốc, Muji tung ra một loạt sản phẩm “cotton Tân Cương”.

Hiện chưa rõ liệu Muji có sử dụng bông Tân Cương cho quần áo được bán ở Nhật Bản và các nước khác hay không.

Theo Nikkei Shimbun, người phát ngôn của Muji đã cho biết ngoài việc giám sát thường xuyên các nhà cung cấp trực tiếp, công ty mẹ Ryohin Keikaku cũng đã tiến hành thẩm định vấn đề đạo đức nghề nghiệp các công ty Tân Cương có liên quan gián tiếp đến chuỗi cung ứng.

Người phát ngôn nhấn mạnh, Muji sẽ tiếp tục thu thập thông tin cẩn thận và thực hiện các biện pháp thích hợp như thẩm định để ngăn chặn vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng. Nếu có bất kỳ vấn đề gì không phù hợp sẽ lập tức có yêu cầu điểu chỉnh đối với nơi cung ứng, còn nếu yêu cầu không thể cải tiến thì Muji sẽ buộc phải chấm dứt hợp tác.

Giá cổ phiếu công ty mẹ của Muji là Ryohin Keikaku niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã giảm mạnh khi mở cửa, từng có thời điểm giảm hơn 7% còn 2494 yên, cho đến đóng cửa mức giảm vẫn ở mức 3,25%, giá trị thị trường mất 22,9 tỷ yên chỉ trong một ngày.

Trong diễn biến liên quan, các thương hiệu quần áo Trung Quốc như Li Ning và Anta Sports lại được hưởng lợi từ thời cơ này.

Ngày 25/3, cổ phiếu Li Ning tăng mạnh 10,74%, và tiếp tục tăng vào ngày 26, với mức tăng trong ngày có thời điểm hơn 8%, đến đóng cửa còn giữ mức tăng 2,9%, vượt 51 đô la Hồng Kông/cổ phiếu.

Ngày 26/3, cổ phiếu Anta Sports đóng cửa tăng 5,61% lên 128,1 đô la Hồng Kông cho mỗi cổ phiếu. Trước đó vào ngày 25/3, cổ phiếu Anta Sports thậm chí còn tăng hơn 8,4%.

Ngoài ra, cũng đáng chú ý là giá cổ phiếu vào ngày 26/3 của China Dongxiang tăng 3,41% và Xtep International tăng 2,43%, cả hai đều duy trì mức tăng trong hơn hai ngày liên tiếp.

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: