Qua một năm Nga phát động xâm lược Ukraine (từ ngày 24/2/2022), đến nay châu Âu và Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Nga và cũng bị Nga đáp trả, thực tế đó đã tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Bức tranh có thể khái quát từ 3 khía cạnh sau.

shutterstock 2182766189
Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu như thế nào? (Ảnh minh họa: Kletr / Shuttserstock)

1. Khủng hoảng năng lượng

Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine đã gây khủng hoảng năng lượng chưa từng có. Giá khí đốt châu Âu đã tăng gần 400% trong hai tuần đầu tiên sau khi xảy ra cuộc chiến, cho đến tháng 8 cùng năm đã cao hơn 700% so với một năm trước.

Là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới và có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Nga luôn là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), thời kỳ trước chiến tranh, Nga cung cấp hơn 30% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu. Sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt thì Nga đã hạn chế nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, khiến giá năng lượng tăng vọt, nguy cơ mất điện, suy thoái kinh tế, kéo theo xu thế quay trở lại dùng loại nhiên liệu gây ô nhiễm đáng lo ngại.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), vào năm 2021 nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga của EU chiếm 39,30% tổng lượng nhập khẩu của EU, sau khi Chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ thì tỷ trọng này giảm xuống 22,90% trong quý II/2022, giảm còn 15% trong quý III/2022, và đà suy giảm vẫn tiếp tục.

Để làm như vậy, EU đã chuyển sang mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng do Mỹ sản xuất nhưng giá cao hơn nhiều. Đặc biệt, vào tháng 9 năm ngoái, sau vụ nổ đường ống chính Nord Stream vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang châu Âu đã chiếm 70% tổng lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Mỹ, trong khi đó giá trung bình khí đốt tự nhiên ở châu Âu cao hơn gấp 7 lần giá của khí đốt tự nhiên ở Mỹ.

Đến tháng 1 năm nay, mức tăng hàng năm của chỉ số giá năng lượng ở Mỹ và khu vực đồng euro đã giảm xuống lần lượt còn là 8,70% và 17,20%, giảm lần lượt 32,90% và 38,50% so với mức đỉnh vào năm 2022.

2. Lạm phát

Cả Ukraine và Nga đều là những nước lớn của thế giới trong sản xuất và xuất khẩu lương thực, được mệnh danh là “vựa bánh mì của thế giới”. Sản lượng lương thực và dầu hướng dương mà hai nước này sản xuất lần lượt chiếm 30% và 75% toàn cầu. Sau khi Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine thì giá lương thực toàn cầu không ngừng tăng cao do sản lượng lương thực quốc tế giảm mạnh và lo ngại về gián đoạn thương mại Biển Đen, tình hình khiến tỷ lệ lạm phát của nhiều nền kinh tế phương Tây luôn ở mức cao.

Chi phí đầu vào và năng lượng tăng, thời tiết khắc nghiệt và nhu cầu thực phẩm mạnh mẽ đã làm tăng thêm áp lực thị trường. Trong suốt năm 2022 có 4/5 chỉ số thực phẩm chính lên mức cao nhất trong lịch sử, cụ thể là: ngũ cốc, thịt, sữa và dầu thực vật.

Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ vào tháng 6/2022 tăng 9,10% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất kể từ năm 1981. Cụ thể, giá xăng dầu, thực phẩm và nhà ở tăng mạnh: so với cùng kỳ năm trước thì giá xăng tăng 59,9%; giá lương thực tăng 10,4% – những mức tăng cao nhất trong 40 năm.

3. Thị trường tài chính

Các biện pháp trừng phạt lâu dài do các nước phương Tây áp đặt đối với Nga đã ảnh hưởng đến đồng tiền của các nền kinh tế như Anh, khu vực đồng euro và Nhật Bản, nhưng lại thúc đẩy tăng giá đồng USD.

Ban đầu, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm khi các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng. Nhưng thiệt hại đã được giảm bớt và lợi suất tăng lên khi các nhà đầu tư đánh giá lại tác động của cuộc xung đột đối với nền kinh tế và thị trường vốn.

Lạm phát không ngừng gia tăng ở Mỹ đi cùng với đồng USD tăng giá đã dẫn đến thực trạng vật giá leo thang ở Anh và EU, tính đến tháng 10 năm ngoái thì chỉ số CPI ở các nước này đã tăng 11,10% và 10,60% so với cùng kỳ năm trước và đều lên đến mức cao nhất trong năm.

Để ngăn lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới trong xu thế cuốn theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất. Theo thống kê từ các tổ chức như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, vào năm ngoái có 210 lần tăng lãi suất từ 38 ngân hàng trung ương trên thế giới.

Đến nay FED đã liên tiếp 8 lần tăng lãi suất, khiến mức mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang tăng lên đáng kể tới mức 4,50% – 4,75%. Theo biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên do FED công bố trong năm nay cho thấy việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục.

Trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và mối lo ngại gia tăng về việc Trung Quốc đứng về phía Nga trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine khiến đồng RMB (nhân dân tệ) Trung Quốc hướng tới tuần tồi tệ nhất trong 5 tháng

Các quan chức FED cho biết vẫn cần thời gian để lạm phát giảm bớt. Ngày 24/2 (thứ Sáu), Thống đốc Philip Jefferson của FED đã có bài phát biểu và cho biết: “Lạm phát cao chỉ có thể giảm từ từ do sự mất cân bằng giữa cung và cầu lao động kéo dài cùng với tỷ lệ chi phí lao động trong ngành dịch vụ tăng cao”.

Cùng ngày, Chủ tịch Loretta Mester của FED cũng cho biết những rủi ro mà dự báo lạm phát của FED phải đối mặt “có xu hướng đi lên và chi phí để duy trì lạm phát cao là rất cao”. Báo cáo vừa công bố cho thấy lạm phát ở Mỹ tăng nhanh trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự kiến; mức tăng so với tháng trước là 0,6%, cao hơn so với mức tăng hàng tháng là 0,2% trong tháng 12 năm trước.