Tại buổi họp về thị trường xăng dầu sáng 28/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện dự trữ quốc gia về xăng dầu chỉ tương đương 6-7 ngày nhập khẩu ròng. Để nâng mức này lên 30 ngày cần phải cấp ngân sách 4.100 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, Bộ Tài chính cho hay hiện chỉ có ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng chi cho dự trữ toàn ngành.

ong nguyen hong dien ong ho duc phoc bo truong cong thuong tai chinh
Ông Nguyễn Hồng Diên (đứng) cho hay cần cấp ngân sách 4.100 tỷ đồng mỗi năm để nâng dự trữ xăng dầu của Việt Nam lên 30 ngày. (Ảnh: moit.gov.vn)

Sáng ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Theo đó, cơ quan giải trình là Bộ Công thương và Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên được mời phát biểu trước, sau đó là Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ông Diên nhận định 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đã đưa ra phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu, 4 lần trình Thủ tướng phê duyệt. Trong phương án trình lần thứ 4 vào ngày 27/12/2022, đề xuất từ năm 2023 – 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày; trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần được cấp ít nhất 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách được cấp chỉ khoảng 1.400 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.

Theo Luật Dự trữ quốc gia, xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược, song hiện mức dự trữ này chỉ tương đương 6-7 ngày nhập khẩu ròng. Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, điềy này là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng nguồn cung khi thị trường biến động, gián đoạn.

Tại cuộc họp, ông Diên cũng thừa nhận việc tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối hiện chưa làm được. Nguyên nhân ở Việt Nam, Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia rất thấp, không phù hợp với thực tế.

“Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia”, ông Diên nói, báo Vnexpress dẫn lời.

Để tránh gián đoạn, Bộ này đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp. Mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản vẫn áp dụng như mức chi từ năm 2003.

Trước đó, tại buổi chất vấn của Quốc hội vào tháng 3/2022, ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này có dự trữ đúng với quy định không, nhất là những doanh nghiệp này vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia. Mà làm dự trữ quốc gia lại còn được hưởng ngân sách nhà nước để bảo quản”.

Đáng lưu ý, ông Huệ nêu thêm: “Các thương nhân đầu mối có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Bởi vì có phải chỉ có dự trữ quốc gia đâu! Anh không thể nói 1-2 ngày mất nguồn cung mà anh không có xăng bán được. Vậy đơn vị ấy dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định pháp luật như thế nào?”

Nội dung này cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập trong phần trả lời nối tiếp. Ông này thừa nhận: “Thật ra chúng ta chưa tách dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Chính hiện nay cơ quan quản lý cũng không biết được là 33 thương nhân đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia mà đang thuộc gói quản lý không, cũng chưa khẳng định được.”

Năm 2022, tình trạng dừng bán hàng ở nhiều cây xăng xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Cảnh người dân xếp hàng mua xăng kéo dài được cho là đã nhiều năm chưa xảy ra. Nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết không có nguồn xăng để nhập hàng, một số khác thì nói rằng càng bán, càng lỗ vì chiết khấu xuống thấp, thậm chí 0 đồng kéo dài nhiều tháng.

Trọng Minh