Theo đề nghị của Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải nâng hạng mức tín dụng với lãi suất ưu đãi, kịp thời cung ứng ngoại tệ để giúp doanh nghiệp xăng dầu tăng nguồn lực tài chính nhằm phục vụ việc nhập khẩu, bảo đảm cung ứng nhiên liệu. Sau nhiều tháng bất ổn dường như đến nay thị trường xăng dầu vẫn còn xáo trộn với cách điều hành của liên Bộ Công thương – Tài chính.

cây xăng tp.hcm dóng cửa hàng loạt cây xăng xăng dầu Hoàng SơnFacebook 1
Nhiều cây xăng miền Nam đóng cửa do thua lỗ kéo dài, người dân xếp hàng và chạy đôn đáo tìm mua xăng dầu. (Ảnh: dẫn qua Hoàng Sơn/Facebook)

Cụ thể, Bộ Công thương gửi Công văn 6435 cho NHNN đề nghị cơ quan này hỗ trợ các điều kiện về tài chính để các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong thời gian tới, trong bối cảnh một số nơi vẫn còn xuất hiện tình trạng cây xăng đóng cửa hoặc treo bảng “hết xăng”.

Tại văn bản, Bộ Công thương nêu một số đề nghị gửi đến NHNN như: nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, cung ứng ngoại tệ, v.v…

Lý do được Bộ Công thương đư ra vì thời gian gần đây, chi phí xăng dầu của doanh nghiệp tiếp tục tăng cao. Do vậy, mức chiết khấu đưa xuống cho các đại lý bán lẻ xăng dầu bị giảm mạnh khiến các doanh nghiệp thua lỗ.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, Chi cục Hải quan đã ngừng thông quan đối với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu do chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử, chậm nộp thuế,…

Với sự bất ổn từ nguồn cung và việc điều hành có sự bất nhất giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính, nhiều đại lý cây xăng đã đóng cửa hàng loạt và không ngần ngại phản đối mức chiết khấu 0 đồng dẫn tới thua lỗ nhiều tháng liên tục.

Điển hình như ngày 11/10, ở TP.HCM – trung tâm kinh tế đầu tàu của Việt Nam đã có 137/550 cây xăng đóng cửa (chiếm 25%), theo Sở Công thương TP.HCM. Điều này khiến hàng dài người dân phải xếp hàng đợi và dắt bộ hàng chục km tìm mua xăng dầu.

Ngoài ra, người dân khu vực miền Tây và báo giới trong nước cũng phản ánh xuất hiện tình trạng tương tự từ tháng 9, ví dụ như: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp,… khiến cuộc sống người dân đảo lộn và gây thiệt hại về mặt kinh tế đối với kinh doanh, sản xuất nông nghiệp.

Theo Tuổi Trẻ, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết do phía đầu mối phân phối chưa cấp đủ hàng, đáp ứng cao nhất chỉ khoảng 70% sản lượng tiêu thụ của hệ thống bán lẻ, nên có những thời điểm hết xăng phải chờ xe bồn cấp hàng bổ sung theo lịch cấp hàng định kỳ.

Theo doanh nghiệp này, hiện chiết khấu vẫn duy trì ở mức rất thấp, chỉ ở mức 200 – 300 đồng/lít, nên doanh nghiệp rất khó khăn về chi phí kinh doanh, mặt bằng, nhân viên… Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn ở TP.HCM cho biết dù đã tìm nhiều nguồn hàng nhưng phía doanh nghiệp này cũng chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu cho hệ thống bán lẻ của mình.

Sở Công Thương TP.HCM cho hay một trong những bất cập trong quy định là cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân phân phối.

Do đó, khi thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối nhập khẩu gặp khó khăn về nguồn hàng, việc chuyển đổi sang đơn vị cung ứng khác gặp nhiều khó khăn bởi quy định rườm rà, quá trình thực hiện thủ tục mất nhiều thời gian.

Đức Minh