Bộ Công thương cho biết tổng số dự án điện than loại bỏ khỏi quy hoạch điện VIII có công suất đến hơn 14.120 MW và sẽ thay thế bằng các nguồn điện khác như: điện khí hóa lỏng LNG, điện mặt trời, điện gió,…

nhà máy nhiệt diện Cẩm Phả nhà máy nhiệt diện bộ công thương loại nhiều dự án nhiệt diện 1
Bộ Công thương đề xuất loại bỏ hàng loạt dự án nhiệt điện than trong quy hoạch điện VIII. (Ảnh: Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, Quảng Ninh/ quangninh.gov.vn)

Theo đó, nội dung trên được Bộ Công thương đề xuất trong báo cáo gửi Thường trực Chính phủ hôm 25/7 về các vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển điện lực quốc gia năm 2021 – 2030 (quy hoạch điện VIII).

Cụ thể, tổng công suất 14.120 MW nhiệt điện than không đưa vào quy hoạch điện VIII, có 8.420 MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, bao gồm: Dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 3.600 MW (Quảng Trạch 1, Tân Phước 1 và Tân Phước 2); dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 1.980 MW (Long Phú 3); dự án của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840 MW (Cẩm Phả 3, Hải Phòng 3 và Quỳnh Lập 1).

Ngoài ra, dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500 MW (Quỳnh Lập 2, Vũng Áng 3, Long Phú 2) và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW (Quảng Ninh 3).

Bộ Công Thương cho biết để bù đắp các nguồn điện than giảm mạnh, quy hoạch điện VIII sẽ thay thế công suất điện than bằng khoảng 14 GW điện khí hoá lỏng LNG và khoảng 12-15 GW các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục đưa vào 2.420 MW nguồn điện mặt trời tại các dự án đã có chủ trương và được chấp nhận đầu tư để vào xây dựng. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 12.700 tỷ đồng.

Lý do của việc tiếp tục đưa vào vận hành các dự án này theo Bộ Công thương là nếu trường hợp không tiếp tục triển khai sẽ gây lãng phí tài sản xã hội, có khả năng dẫn tới kiện tụng đòi bồi thường của Nhà nước.

Với 4.100MW nguồn điện mặt trời còn lại tại các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận đầu tư, Bộ Công Thương kiến nghị giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2030.

Phương án thứ nhất mà Bộ Công thương đề xuất là đàm phán giá điện giữa chủ đầu tư và EVN trong khung giá do Bộ Công Thương ban hành. Đây là quy trình, thủ tục xây dựng khung giá, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên đang được áp dụng cho các loại hình nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện, tua bin khí.

Phương án thứ 2 là EVN sẽ đấu thầu mua điện, Bộ Công Thương cho biết phương án này chưa rõ cơ sở pháp lý.

Hàng tỷ USD điện gió “nằm chờ” vì chưa có giá mua của EVN

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn EVN nhưng do giá mua bán điện cố định (FIT) hết hạn nên chưa có giá mua điện.

Để tránh lãng phí nguồn lực, Bộ Công thương đề nghị nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.

Với các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai, Bộ Công thương đề nghị chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như trên để đảm bảo tính đồng nhất pháp lý với các dự án.

Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị bãi bỏ các quyết định số 13, 37, 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời và điện gió.

Lý giải về việc chấm dứt hiệu lực của các quyết định này, Bộ Công thương cho rằng hiện các điều khoản về giá FIT đã hết hiệu lực áp dụng, nhưng về mặt pháp lý các quyết định này vẫn còn hiệu lực thi hành.

Tại các quyết định này, có một số nội dung không còn phù hợp như “Thời hạn hợp đồng mua bán điện 20 năm (với điện mặt trời mái nhà tối đa 20 năm)”, “Giá mua điện điều chỉnh theo biến động của tỉ giá VND/USD và thời gian áp dụng giá điện 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại”, “Trách nhiệm mua toàn bộ điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.

Đối với các dự án thuộc đối tượng áp dụng và đã ký hợp đồng mua bán điện căn cứ các quyết định 13, 37, 39 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương nhưng chưa xác định được giá bán điện, Bộ Công thương cho rằng các nhà đầu tư và EVN có thể lựa chọn đàm phán lại hợp đồng mua bán điện căn cứ các quy định mới.

Đức Minh