Thay vì giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện điều chỉnh khi biến động giá đầu vào tăng từ 3% trở lên như trước đây, Bộ Công thương cho biết dự thảo mới quy định Tập đoàn Điện lực (EVN) có thể tăng/giảm giá điện khi biến động đầu vào thay đổi từ 1%.

tap doan EVN dien luc EVN 15163791351 scaled
Với thay đổi biên độ từ 3% xuống còn 1%, giá điện có thể sẽ thay đổi nhiều hơn sau khi áp dụng quy định mới. (Ảnh: Evgenii mitroshin/Shutterstock)

Bộ Công thương vừa công bố dự thảo quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để lấy ý kiến nhằm sửa đổi Quyết định 24 của Thủ tướng được thực hiện từ năm 2017.

Theo đó, khi có báo cáo về chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn EVN, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xem xét, điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào của tất cả các khâu.

Trường hợp các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với mức giá hiện hành, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng. Đây được xem là điểm thay đổi khi quy định trước đây biến động giá 3% trở lên mới được điều chỉnh.

Như vậy, quy định trên có thay đổi so với trước đây được đưa ra tại Quyết định 24 (phân cấp cho EVN được điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện khi giá bình quân tăng từ 3% đến dưới 5%). Việc giá bán lẻ điện bình quân được giảm từ 3% xuống còn 1% thuộc thẩm quyền của EVN sẽ khiến biến động giá cả có thể được điều chỉnh với biên độ nhiều hơn, theo báo Tuổi Trẻ.

Đối với mức giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5%, cơ chế điều chỉnh không có nhiều thay đổi so với trước đây.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán theo quy định tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xin ý kiến điều chỉnh.

Nếu giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, EVN lỗ hơn 16.580 tỷ đồng

Tập đoàn EVN vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, ghi nhận hết quý 2/2022, tập đoàn này có tổng tài sản là trên 673.150 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với đầu năm 2022.

Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 221.230 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Mặc dù doanh thu tăng nhưng do giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn, lên gần 225.450 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp của EVN lỗ hơn 4.200 tỷ đồng.

Do vậy, sau khi trừ tiếp chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý,… EVN ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 16.586 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu đạt 189.190 tỷ đồng, trong đó lỗ gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là gần 13.400 tỷ đồng và lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh sau thuế là 22.215 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Tập đoàn EVN là gần 442.480 tỷ đồng, gồm nợ ngắn hạn là hơn 152.190 tỷ đồng và nợ dài hạn khoảng 290.280 tỷ đồng, đều giảm so với đầu năm.

Vốn chủ sở hữu của tập đoàn là khoảng 230.680 tỷ đồng, giảm 17.230 tỷ đồng so với đầu năm.

Thiên Tùng