Bộ Công thương cho biết sau khi Bộ này tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp nên đã đề xuất Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại.

lua chet chay tai long an do han man
Hình ảnh cánh đồng lúa đang chết cháy vì hạn mặn tại Long An. (Ảnh: baolongan.vn)

Ngày 24/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản khẩn số 2101 gửi Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP và một số đơn vị trực thuộc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3.

Theo văn bản, sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, Bộ công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm dừng thực hiện mục b, khoản 2 và một phần mục c, khoản 2 của Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3 để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn thực kho thực tế ở các doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.

Trước đó, ngày 23/3, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán.

Văn bản nêu rõ trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều nơi, cùng với diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu, nguồn cung lương thực có nguy cơ bị suy giảm, nhiều nước tăng dự trữ lương thực. Trong khi đó hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua tăng cả số lượng và giá cả, giá lúa gạo trong nước liên tục tăng cao.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo nguồn lương thực cho chế biến, tiêu dùng và dự trữ trong nước.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể hóa việc tạm dừng xuất khẩu gạo theo trình tự thủ tục rút gọn.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Dự trữ nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao để đảm bảo đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách.

Hiện các tỉnh ĐBSCL – nơi được coi là vựa lúa của cả nước đang chịu hạn mặn nghiêm trọng. Tính đến tháng 3/2020, đã có 5 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An đã phải công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn. Nhiều diện tích lúa tại các tỉnh này chịu thiệt hại nặng nề.

Tại Cà Mau: Hạn hán đã làm thiệt hại và sẽ có nguy cơ gây thiệt hại hơn 41 ngàn ha lúa, hơn 20 ngàn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt; đê biển bị sạt lở; ở vùng ngọt nhiều tuyến lộ nông thôn bị sụp lún nghiêm trọng…

Tại Kiên Giang: Theo Sở NN, tính đến đầu tháng 3, diện tích lúa bị thiệt hại chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Hòn Đất (1.050ha), U Minh Thượng (888ha) và Kiên Lương (148ha). Cụ thể, có 307ha bị thiệt hại với tỷ lệ dưới 30%; 1.157ha tỷ lệ thiệt hại 30-70% và 622ha có tỷ lệ thiệt hại trên 70%.

Tại Bến Tre: Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh có hơn 5.115ha diện tích lúa bị thiệt hại trong tổng số 5.287ha diện tích xuống giống. Trong đó có 5.087ha bị thiệt hại trên 70%, 28ha bị thiệt hại từ 30 đến 70%, diện tích còn lại đang bị ảnh hưởng và có khả năng cao là thiệt hại hoàn toàn.

Tại Tiền Giang: Trong khoảng 10.200 ha tại huyện ven biển Gò Công Đông được gieo sạ thì có khoảng trên 2.800 ha do gieo sạ trễ có nguy cơ bị thiệt hại nặng do thiếu nước tưới. Huyện Gò Công Tây xuống giống gần 9.000 ha thì có 1.158 ha hiện đang ở giai đoạn trổ, nguy cơ thiệt hại rất cao.

Tại Long An: Đến ngày 10/3, huyện Tân Trụ đã có gần 4.100ha lúa và thanh long bị thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa thiệt hại trên 70% là 2.285ha; thiệt hại từ 30 – 70% là 1.275ha. Tại huyện Thủ Thừa, diện tích lúa có khả năng bị giảm năng suất từ 30 – 70% là 1.725ha; 77ha có khả năng mất trắng.

Lê Hoàn