Trước áp lực giá dầu trên thế giới tăng cao, Bộ Công thương đã ban hành một quyết định bất ngờ: “giữ nguyên mức giá xăng cơ bản” để ổn định giá cả thị trường Tết. Áp lực ổn định giá đang đè nặng lên những ai?

(ảnh: trithucvn.co)
(ảnh: trithucvn.co)

Sau ngày 30/11, thị trường xăng dầu trên thế giới có sự biến động mạnh do các nước thuộc khối OPEC thông qua quyết định cắt giảm sản lượng giàu mỏ. Tròn 1 tháng sau, giá xăng E92 tại thị trường Singapore đã tăng từ 56 USD/ thùng lên tới 68,01 USD/ thùng, tương đương với 20%. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác cũng khiến tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Hiện nay, tỷ giá ngân hàng ngoại thương chuyển khoản cũng đã tăng từ 22.620 đồng/USD ngày 30/11 lên mức 22.715 đồng/USD, tương đương với 0,4% nữa. Như vậy, trên thực tế, giá xăng thế giới đã tăng 20,4% trong vòng 1 tháng.

(Nguồn: Bộ Công thương)
(Nguồn: Bộ Công thương)

Trước áp lực giá xăng dầu thế giới tăng, Liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính trong 2 phiên điều hành giá  liên tiếp trong tháng 12/2016 đã tăng từ 3-7% cho mỗi phiên điều hành.

Cụ thể, sau hai phiên điều hành, giá cơ sở như sau:

  • xăng E92 tăng 1823 đồng/lít tương đương 11,1%,
  • xăng E5 tăng 1174 đồng/lít tương đương 9,3%,
  • dầu hỏa tăng 1428 đồng/l tương đương 13%,
  • dầu diesel tăng 1497 đồng/l tương đương 15,4%,
  • dầu mazut tăng 1701 đồng/l, tương đương 10,4%.
(Nguồn: Bộ Công thương)
(Nguồn: Bộ Công thương)

Như vậy mức tăng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa đuổi kịp mức tăng trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn đang đứng trước áp lực tăng giá của thị trường thế giới và phải sử dụng quỹ bình ổn giá để bù lỗ cho khối lượng xăng tiêu thụ.

>> Giá dầu thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, trong phiên điều hành giá ngày 4/1/2017, Liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã ban hành một quyết định rất bất ngờ, trái ngược hoàn toàn với dự đoán ban đầu của các chuyên gia.

Mức giá bán các mặt hàng xăng tiêu dùng phổ biến tại thị trường được giữ nguyên, không đổi. Cụ thể, giá bán xăng Ron 92 không được cao hơn 17.594 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 17.322 đồng/lít.

Mức giá dầu được điều chỉnh tăng từ 300 đồng/lít, trong đó dầu diesel có giá bán không cao hơn 13.757 đồng/lít, tăng 324 đồng/lít so với phiên điều hành ngày 20/12/2016; dầu hỏa không cao hơn 12.253 đồng/lít, tăng 310 đồng/lít, dầu mazut không cao hơn 11.127 đồng/kg, tăng 443 đồng/kg.

Ai chịu áp lực bình ổn giá?

Để giữ được mặt bằng giá xăng, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng khoáng, xăng E5 (trước đây trích lập 300 đồng/lít). Đồng thời, điều chỉnh mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu Quý I năm 2017 như sau: xăng 10,56%; dầu diesel 1,98%; dầu hỏa 0,08%; dầu mazut 2,26%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng phải chia sẻ gánh nặng của việc bình ổn giá xăng dầu bằng việc nhận mức hỗ trợ giảm đi từ quỹ bình ổn giá. Cụ thể, mức chi từ quỹ bình ổn đối với xăng khoáng giảm 371 đồng/lít (từ 600 đồng/ lít xuống 229 đồng/lít); đối với xăng E5 giảm 33 đồng/lít (từ 600 đồng/lít xuống 567 đồng/lít).

Tại thời điểm điều chỉnh giá, ước tính Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex là 1.805 tỷ đồng. Theo quy định mới, trong thời gian tới Quỹ bình ổn giá sẽ chủ yếu chi ra bù lỗ, nguồn bù đắp sẽ không đáng kể.

Như vậy, bình ổn giá xăng dầu là nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như mạng lưới các công ty đầu mối xăng dầu. Tuy vậy, công tác quản lý giá cả cũng đặt dưới một áp lực rất lớn. Trên thị trường cũng đang xuất hiện một số các phản ứng nhất định đối với việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa ban hành của Bộ Công thương.

Chúng tôi sẽ cập nhật ảnh hưởng của mức giá xăng dầu theo phiên điều hành mới lên các lĩnh vực kinh doanh trong những bài viết tiếp theo.

Nguyên Hương