Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đề xuất lên Chính phủ Việt Nam dùng số tiền ngân sách hơn 6.800 tỷ đồng để mua lại 5 trạm BOT, chấm dứt hợp đồng của nhà đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu vì các dự án này bị vỡ phương án tài chính.

BOT nang cap cai tao quoc lo 91 TP Can Tho
BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ, 1 trong 5 dự án Bộ GTVT đề xuất mua lại với số tiền hơn 1.750 tỷ đồng. (Ảnh: baokiemtoannhanuoc.vn)

Báo cáo của Bộ GTVT gửi Chính phủ Việt Nam mới đây cho biết có 54 dự án BOT giao thông đang thu phí do bộ này quản lý, trong đó có 7 dự án doanh thu năm 2022 đạt dưới 30% so với hợp đồng; 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án và 1 dự án không thể thu phí, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

5 dự án không thể bổ sung vốn và cần phải dùng hơn 6.800 tỷ đồng ngân sách nhà nước để mua lại gồm: Dự án BOT cầu Bình Lợi; BOT đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa; BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ; BOT đường Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3 đoạn km75-100 và BOT đường Hồ Chí Minh đoạn km1.738+148 đến km1.763+610.

Điểm chung của 5 dự án trên là không có khả năng thu phí, vỡ phương án tài chính do doanh thu thấp, đồng thời có dự án bất cập trong việc đặt vị trí trạm khiến dư luận phản đối.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã nhiều lần đề xuất phương án mua lại các trạm BOT này bằng tiền ngân sách nhà nước. Tuy vậy, vào tháng 11/2021, Ủy ban Kinh tế Quốc hội từng phản đối hành động mua lại BOT kém hiệu quả này và cho rằng “không hợp lý”, theo báo Lao Động.

Trường hợp Nhà nước mua lại các dự án đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, gây áp lực cho ngân sách nhà nước, Ủy ban này cho biết.

GS-TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng khi có lãi doanh nghiệp im lặng, lại đề xuất kéo dài thời hạn thu phí. Còn khi khó khăn muốn Nhà nước mua lại thì không công bằng trong khía cạnh đầu tư, tạo tiền lệ nguy hiểm.

Tuấn Minh