Tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 14 tỷ USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2021.

khu công nghiệp bình dương vsip bình dương binhduong.gov .vn
Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong 49 tỉnh, thành của Việt Nam. (Ảnh: binhduong.gov.vn)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam vừa cho biết nửa đầu năm có 752 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, giảm hơn 48% so với cùng kỳ năm trước; 487 lượt dự án đăng ký tăng vốn với mức điều chỉnh đạt gần 6,82 tỷ USD, tăng gần 66% và 1.707 lượt góp vốn với tổng giá trị trên 2,27 tỷ USD, tăng hơn 41%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trên 21 ngành kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với hơn 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5%.

Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 442,6 triệu USD và 408,5 triệu USD.

Singapore hiện dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm gần 27% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư, tăng khoảng 30%.

Thông qua dự án Lego có tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 49 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,53 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 98,2% so với cùng kỳ năm 2021.

TP.HCM vượt lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng vốn, tăng 55,2% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,63 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn và tăng gấp hơn 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam (VAFIE), Việt Nam nằm gần các quốc gia Đông và Đông Nam Á khác, quen thuộc hơn với phong tục và văn hóa nên thu hút dòng vốn từ các khu vực này cao.

Trong khi đó, các yếu tố như Việt Nam thiếu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính rườm rà có thể khiến nguồn vốn từ Đức, Pháp, Anh, cũng như Mỹ có phần thấp hơn.

Báo cáo FDI vào Việt Nam nửa đầu năm 2022 của EuroCham vừa công bố cũng cho rằng EVFTA thực thi trong bối cảnh COVID-19 và sau đó bất ổn kinh tế toàn cầu, khiến dòng vốn ngoại chưa thực sự rót vào Việt Nam.

Ở giai đoạn đầu khi COVID-19 xuất hiện, dòng vốn vào Việt Nam giảm từ mức 38 tỷ USD của năm 2019 xuống 28,5 tỷ USD năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký mới giảm từ 15,2 tỷ USD xuống 14,8 tỷ USD.

Đến năm thứ hai của đại dịch, dù tình hình COVID-19 căng thẳng hơn nhưng dòng vốn vào Việt Nam đảo chiều. Tổng FDI năm ngoái đạt 31,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2020. Riêng vốn đăng ký mới đạt 18,6 tỷ USD.

Kiến Minh