Bà Vũ Thị Chân Phương vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sau khi ông Trần Văn Dũng bị cách chức vào hồi tháng 5/2022, khoảng thời gian vừa qua tạm thời phụ trách, điều hành vị trí này là Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

ba vu thi chan phuong chu tich ubcknn chu tich uy ban chung khoan
Bà Vũ Thị Chân Phương là nữ Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đầu tiên. (Ảnh: mof.gov.vn)

Theo đó, sáng ngày 9/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trao quyết định bổ nhiệm cho bà Chân Phương lên vị trí Chủ tịch UBCKNN, sau hơn 6 năm bà đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch cơ quan này.

Theo truyền thông trong nước, bà Phương (SN 1971) tại Nam Định, trình độ Thạc sỹ Kinh tế, bắt đầu làm việc tại Ủy ban này từ tháng 9/1998, từng đảm nhận qua vị trí Phó chánh Thanh tra, Chánh Thanh tra.

Đến tháng 7/2016, bà Phương lên chức Phó chủ tịch UBCKNN, thời điểm đó ông Vũ Bằng đảm nhận chức Chủ tịch.

Hồi tháng 5/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã quyết định kỷ luật cách chức Chủ tịch UBCKNN với ông Trần Văn Dũng, do đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã tạm thời phụ trách, điều hành cơ quan này từ cuối tháng 5/2022 đến đầu tháng 1/2023.

Theo thông cáo của UBKTTW hôm 31/3, Ủy ban này đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của ông Vũ Bằng và ông Trần Văn Dũng (nguyên Chủ tịch UBCKNN), ông Lê Hải Trà (Tổng Giám đốc HoSE),… cùng một số lãnh đạo khác chịu hình thức “kỷ luật”.

Trong năm 2022, nhiều vụ việc liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu sai luật của hàng loạt doanh nghiệp lớn đã gây rúng động thị trường và gây thiệt hại đến người dân.

Điển hình như vụ ông Trịnh Văn Quyết (FLC) bán hơn 74 triệu cổ phiếu sai quy định; hủy 9 lô trái phiếu hơn 10.000 tỷ của Tân Hoàng Minh hay vụ bà Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu tại Công ty An Đông,…

Bị tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực, chỉ số đại diện VN-Index đã giảm hơn 500 điểm trong cả năm so với mức đỉnh thiết lập ở mức 1.525 điểm, tương đương giảm tới 34%, đảo lộn mọi dự báo của giới đầu cơ chứng khoán.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp 2,6 lần so với cuối năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 6,8 triệu tài khoản, tăng gần 58% so với cuối năm 2021.

Trong đó bao gồm 6,75 triệu tài khoản nhà đầu tư trong nước (+58%) và 42.458 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài (+7,4%).

Theo UBCKNN, tính đến ngày 23/12/2022, giá trị vốn hóa 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ước đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP Việt Nam.

Tuấn Minh