Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên 12% từ ngày 1/1/2019 với lý do mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, thu nhập thấp.

tang thue vat 2
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Bộ Tài chính vừa có phương án tăng thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) từ 10% lên 12%. Theo đó, hai phương án Bộ đề xuất là:

Phương án 1: Thuế VAT tăng từ 10% lên 12% từ ngày 1/1/2019.

Phương án 2: Tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1 và việc tăng thuế GTGT là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Lý giải về việc tăng thuế VAT, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế VAT hiện tại 10% là tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Bộ tài chính cho hay trong quá trình tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia đều có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ tài chính lấy dẫn chứng, năm 2004, từ 140 nước trên thế giới áp dụng thuế VAT đã tăng lên 160 nước vào năm 2014, tăng 166 nước vào năm 2016. Năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế VAT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Cũng theo Bộ Tài chính, các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế VAT như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản…. Thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12-25%, trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17-25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%, Philippines có mức thuế suất 15%.

Ngoài việc tăng thuế VAT, Bộ Tài chính còn kiến nghị tăng loạt các sắc thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại nước ngọt, trà, cà phê đóng lon theo dây chuyền; thuốc lá; tăng thuế với xe bán tải…

Trước đề xuất trên, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc tăng thuế VAT lên 12% của Bộ Tài chính sẽ ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng, đặc biệt là người dân nghèo có thu nhập thấp.

Phạm Toàn

Xem thêm: