Bộ Tài chính Việt Nam thông báo thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm chỉ đạt 44,2% dự toán, là mức thấp nhất kể từ năm 2013. Giải pháp tình thế là bộ máy các cấp cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước… tiếp tục được bộ này nhắc đến.

bo truong dinh tien dung
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại hội trường Quốc hội, 2019. (Ảnh minh họa: quochoi.vn)

Báo cáo sơ kết tài chính 6 tháng đầu năm 2020 vào hôm 7/7, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thu NSNN tính đến hết tháng 6/2020 chỉ ở mức 668.700 tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Thu ngân sách giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá dầu thô thế giới giảm sâu, các chính sách ưu đãi về thuế, phí… trong nước.

Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 51,7%); thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 54,6%).

Về thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI chỉ đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt 37,1% dự toán, giảm 15%.

Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn – Bộ Tài chính nhận định.

Tính trên toàn quốc, chỉ 34/63 tỉnh, thành phố có mức thu ngân sách đạt trên 50% dự toán. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số, con số trên giảm xuống còn 14/63 tỉnh, thành phố.

Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.

Về chi NSNN, ông Dũng cho biết tổng chi NSNN đến hết tháng 6 ước đạt 729.400 tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán. Theo đó, sau 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đang bội chi ngân sách 60.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết đã ngân sách chi 4.100 tỷ đồng cho phòng, chống dịch COVID-19; khoảng 11.300 tỷ đồng hỗ trợ 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 cho các địa phương trong dịch tả lợn Châu Phi và sau thiên tai…

Trước tình hình ngân sách trên, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm soát chi ngân sách, chỉ chi các khoản quan trọng trong dự toán được giao…; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Đáng chú ý, Bộ này lặp lại đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước. Đề xuất này đã được đưa ra từ giữa tháng 4 với mức đề nghị cắt giảm 50% công tác phí nước ngoài, 30% kinh phí hội nghị, hội thảo, sau đó tiếp tục được nhắc lại vào cuối tháng 5 với mức cắt giảm kiến nghị tăng lên tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước.

Cần lưu ý, với mức cắt giảm 50% công tác phí nước ngoài, 30% kinh phí hội nghị, hội thảo đưa ra ban đầu, Bộ Tài chính cho biết dự kiến đã tiết kiệm được khoảng 600 tỷ -700 tỷ đồng, chỉ tính riêng các cơ quan trung ương, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính ngày 14/4/2020.

Vào trung tuần tháng 6, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất chưa điều chỉnh mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ 1/7/2020 theo lộ trình (mức tăng dự kiến là tăng 7%, từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng). Chính phủ đang tính lùi đến ngày 1/1/2021, ông Dũng cho biết.

Tại thời điểm này, ông Dũng cho hay trọng tâm trong năm 2020 là giải ngân đầu tư công (tổng vốn xấp xỉ 700.000 tỷ đồng) để thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách.

Đối với doanh nghiệp, ông Dũng cho biết đã ký nhiều thông tư giảm phí, lệ phí… để hỗ trợ kinh doanh, sản xuất. Song, ông Dũng vẫn nhấn mạnh vào đầu tư hạ tầng, như chìa khóa để tạo tác động tăng trưởng.

“Tôi vẫn muốn nhấn mạnh là hơn lúc nào hết lúc này tập trung vào làm các dự án hạ tầng. Còn mở rộng thị trường thì có khuôn khổ pháp lý rồi nhưng có tiêu thụ được hay không còn tuỳ thuộc vào các đối tác nước ngoài trong việc chống dịch COVID-19”, ông Dũng nói, theo Vietnamnet ngày 1/6/2020.

Sơn Nguyên