Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn chứng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quốc gia tiên tiến trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đều khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng quy định này.

Bo truong Tai chinh, Dinh Tien Dung
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: VGP)

Chiều 15/11, Quốc hội thảo luận về dự Luật Quản lý thuế sửa đổi, trong đó tại điều 98 có quy định: “Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.”

Theo giải trình của Bộ trưởng Tài chính, luật hiện hành cũng như luật mẫu của IMF đã có quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết các nước tiên tiến của OECD cũng khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng chế tài này, đặc biệt trong điều kiện giao dịch điện tử và thương mại xuyên biên giới đang có chiều hướng gia tăng.

“Ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài, không có chế tài thì sẽ không quản lý được”, ông Dũng nói.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế tiền mặt, nên rất nhiều vấn đề cần xem xét xử lý, phải rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, trong đó có ngân hàng.

Mặc dù vậy, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các Đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng quy định trên là không phù hợp và đi ngược lại với yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng của chính ngân hàng, tại quy định của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, TCTD, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng nước ngoài không được phép cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng cho các tổ chức khác (trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng).

Vì vậy, bà Trang kiến nghị cần có sự hài hòa giữa 2 quy định này để không gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, tránh việc lạm dụng yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin dẫn đến ngân hàng vi phạm luật.

Đặc biệt, đại biểu từ Quảng Ngãi nhấn mạnh, ban soạn thảo cần phải nghiên cứu rõ các trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin một cách chặt chẽ. Việc khấu trừ tiền trong tài khoản nộp thuế phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người nộp thuế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng số dư tài khoản ngân hàng không nói lên việc cá nhân, doanh nghiệp có trốn thuế hay không. Do đó, ngành thuế không có cơ sở để đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản người gửi tiền.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) thì cho rằng quy định yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế là hợp lý, nhằm “hỗ trợ cơ quan thuế thu được thuế cao nhất”.

Theo lý giải của nữ đại biểu đến từ Hà Tĩnh, thời gian qua ngân hàng đã cung cấp thông tin tài khoản doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Song một số cá nhân có nhiều tài khoản khác nhau, vì vậy nếu không kiểm soát chặt chẽ các tài khoản này có thể dẫn đến thất thu thuế.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi soạn thảo bởi Bộ Tài chính sẽ được thẩm tra bởi Ủy ban Tài chính – Ngân sách, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới.

Minh Sơn

Xem thêm: