Trước tình trạng doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu và sau vụ việc của Tân Hoàng Minh, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng Tài chính về rủi ro tương ứng với quy mô 51 tỷ USD thị trường trái phiếu hiện nay. Theo báo cáo gần đây, có những doanh nghiệp có trị giá phát hành vay nợ từ trái phiếu cao hàng chục lần vốn chủ sở hữu và kinh doanh thua lỗ.

bộ trưởng bộ tài chính hồ dức phớc thị trường trái phiếu chất vấn thị trường trái phiếu quochoi.vn scaled
Bộ trưởng Tài Chính cho biết quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam lên 51 tỷ USD nhưng chỉ có Tân Hoàng Minh chưa trả được nợ, còn lại đều thanh toán được. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tại phiên chất vấn chiều 8/6, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu quy mô đạt 25% GDP vào năm 2025. Tuy vậy cuối năm 2021, con số phát hành đã gần 51 tỷ USD (tương đương 18% GDP), cao gấp 3 lần quy mô của năm 2018.

Dẫn chứng về vấn đề rủi ro của thị trường, ông Nghĩa đề cập đến báo cáo gần đây khi thống kê chỉ 20 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành lượng trái phiếu trị giá hơn 100.000 tỷ đồng, thu hút nhà đầu tư bởi lãi suất cao lên đến gần 13%/năm.

Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp vốn chủ sở hữu thấp nhưng phát hành lượng trái phiếu lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Mediterranean Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.

Tương tự, Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần.

Theo ông Nghĩa, thị trường trái phiếu cần có giải pháp quản lý để không xảy ra khủng hoảng và không phát sinh vấn đề như Tân Hoàng Minh.

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết số liệu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cung cấp thì quy mô thị trường trái phiếu hiện tương đương 15% GDP.

“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, sau đó thì sẽ có trách nhiệm trả lại tiền, nhưng phải phát hành đúng trình tự, quy định của pháp luật. Vừa rồi chúng ta xử lý những trường hợp phát hành không đúng quy định”, ông Phớc nói, báo Vnexpress dẫn lời.

Ông Phớc khẳng định chỉ trừ trường hợp của Tân Hoàng Minh chưa trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp đều trả được nợ. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay không có chủ trương về việc siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp, bởi đây là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, bên cạnh dòng vốn từ các ngân hàng thương mại.

Tuy vậy, ông Nghĩa cho rằng thời gian qua dường như đã có sự buông lỏng quản lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những cảnh báo rủi ro từ phía Bộ Tài chính đối với nhà đầu tư, thị trường là không đạt hiệu quả.

Vừa qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết đã nộp thêm khoảng 370 tỷ đồng vào tài khoản Kho bạc Nhà nước vào hôm 6/6, nâng tổng số tiền mà tập đoàn này hoàn trả đạt khoảng 666 tỷ đồng (6,6%) trong vụ 9 lô trái phiếu bị hủy (trị giá 10.030 tỷ đồng) hơn 2 tháng trước. Còn nhà đầu tư đang lo lắng vì chưa biết bao lâu nữa mới nhận lại được tiền.

Ông Đỗ Hoàng Minh – Phó giám đốc Tân Hoàng Minh cho biết sẽ tiếp tục thu hồi các khoản tiền có liên quan đến trái phiếu. Dự kiến đến hết tháng 6, số tiền mà tập đoàn này sẽ thu về đạt 15-20% và đến cuối tháng 7 kỳ vọng đạt 50-60% tổng giá trị của 9 lô trái phiếu bị hủy.

Quang Minh