Trước hàng loạt vụ người dân nhiều nơi tố ngân hàng SCB có dấu hiệu tư vấn sai lệch, thay vì gửi tiết kiệm lại hướng người dân đến đầu tư mua trái phiếu DN với lãi suất cao, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết trái phiếu DN rủi ro cao hơn gửi tiền tiết kiệm, do đó “nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu,… và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”.

scb lua dao nguoi dan scb tu van trai phieu nguoi dan doi tien scb
Người dân là khách hàng 20 năm của ngân hàng SCB tố việc bị lừa mua trái phiếu bằng hình thức “Tiết kiệm linh hoạt” tại cuộc họp. (Ảnh chụp màn hình: Thao Stewart/Facebook)

Trong thông báo đăng tải trên trang web của Bộ Tài chính ngày 14/11, cơ quan này cho biết trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian qua, các nhà đầu tư cần lưu ý về mức độ rủi ro của trái phiếu DN.

Cụ thể, Bộ này cho biết trái phiếu DN do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Trái phiếu DN không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, thường có độ rủi ro và lãi suất cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng.

Do vậy, Bộ Tài chính cho hay: “nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”.

Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Bộ đề nghị phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư.

Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính phải xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi như: cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp,… trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Tuy phía người tư vấn (Ngân hàng, Công ty chứng khoán) và doanh nghiệp phát hành đều xuất hiện những lỗ hỏng nhưng Bộ Tài chính chưa đề cập đến trách nhiệm của mình trong quá trình doanh nghiệp lách luật phát hành trái phiếu riêng lẻ đến người dân (vốn yêu cầu bắt buộc phải nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu theo quy định).

Ngày 7/11, trước sức ép từ phía người dân, ngân hàng SCB đã tổ chức cuộc họp trực tiếp để giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tư vấn sai lệch của ngân hàng.

Theo đó, hàng chục người tại cuộc họp bức xúc khi nhân viên ngân hàng đã mượn uy tín của ngân hàng để chào mời họ mua trái phiếu một cách sai lệch và thiếu trung thực. Điểm chung là nhiều người mua trái phiếu trong bối cảnh sau khi vừa tất toán sổ tiết kiệm, được giao dịch viên tư vấn chuyển qua loại sản phẩm mới, báo Vnexpress đưa tin.

Một số khách hàng lớn tuổi của SCB cho biết nhân viên nhà băng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ, mời chào chuyển sang sản phẩm “Tiết kiệm linh hoạt rút gốc 31 ngày dưới dạng trái phiếu”.

Thậm chí, nhân viên còn tư vấn đây là sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng lâu năm, có rủi ro rất thấp vì doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái với ngân hàng.

Nghe theo lời nhân viên, nhiều người lớn tuổi đã chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm tuổi già chuyển qua “loại sản phẩm mới” này.

Sau khi đồng ý, nhiều khách hàng ký vào tờ uỷ nhiệm và ra về. Họ không hề được tiếp cận tới bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cho tới gần chục ngày sau mới nhận được hợp đồng đầy đủ.

Theo nhiều người dân tại cuộc họp với lãnh đạo SCB, ngân hàng này đã giữ bản hợp đồng này hơn chục ngày mới trả nên khách hàng hoàn toàn không có cơ hội đọc kỹ cũng như huỷ hợp đồng trong 3 ngày từ lúc chuyển tiền mua theo quy định.

Được biết, Công ty An Đông là thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tính trong 2 năm (2018 và 2019) đã huy động trái phiếu từ nhà đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng, gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu của công ty này là khoảng 9.000 tỷ đồng. Vừa qua, bà Trương Mỹ Lan vừa bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng tại Công ty An Đông thông qua việc phát hành trái phiếu.

Tuấn Minh