Chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân không tìm bạn hàng, không có đơn hàng… là những lý do do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra trước những chất vấn về tình trạng hàng hóa nông sản đang bị tắc nghẽn hàng loạt, không thể xuất khẩu dẫn đến rớt giá thê thảm. 

giai cuu nong san un tac cua khau nong san rot gia
Một trong những hệ lụy của việc ùn tắc không thông quan được, các xe chở hoa quả tươi quay đầu về từ cửa khẩu để bán dọc vỉa hè tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), chiều ngày 3/3/2022. (Nguồn: Trí Thức VN)

Trong phiên trả lời chất vấn ngày 16/3, rất nhiều câu hỏi từ các Đại biểu Quốc hội Việt Nam (ĐBQH) gửi đến Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên liên quan đến câu chuyện ùn tắc cửa khẩu “đến hẹn lại lên” hay việc lưu thông hàng hóa (xuất khẩu) gặp nhiều trở ngại. Việc này khiến người nông dân được mùa thì mất giá, đời sống càng thêm vất vả và sản xuất trong tâm thái lo lắng bất an. Điển hình như mặt hàng thanh long ruột đỏ ở Bình Thuận, Long An đã rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg do không thể xuất khẩu.

Hàng khó xuất vì ‘chính sách phòng dịch giữa ta và bạn  khác nhau’ 

Đầu phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đưa ra câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về giải pháp để tránh việc đóng, mở cửa khẩu liên tục dẫn tới ùn ứ hàng hóa.

Trả lời vấn đề trên, ông Diên nói: “Chiến lược phòng dịch của 2 nước ta và bạn (Trung Quốc) có những cái đến thời điểm này là không giống nhau. Ta thì ta thích ứng an toàn nhưng mà bạn thì Zero-COVID”.

Ngoài ra, ông Diên giải thích thêm hàng hóa Việt Nam khó xuất khẩu do Trung Quốc và các thị trường khác đều đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hóa rất cao. “Trên thực tế, chúng ta với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, chưa bảo đảm tiêu chuẩn thì rất khó. Tiêu chuẩn phải sát với từng thị trường chứ tiêu chuẩn chung chung thì cũng khó. Hàng định xuất vào Trung Quốc dù là chính ngạch nhưng nếu có trục trặc không xuất được vào Trung Quốc thì cũng không dễ gì vào các thị trường khác.” – Bộ trưởng Diên trình bày.

“Việc đóng mở cửa khẩu đáng lẽ ra là việc của ngoại giao, hàng nông sản đạt chất lượng hay không không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương”, ông Diên cho hay.

Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn hàng hóa trong nước, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định: “Hàng chúng ta sản xuất ra rất nhiều nhưng đưa đi không dễ. Bởi vì hàng ấy ngay cả bán trong nước cũng chưa chắc là đã được chào đón thì bán ra nước ngoài làm sao mà được”.

Bộ trưởng Diên: ‘Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp đã rất trách nhiệm…’

Tình trạng ùn tắc cửa khẩu từ lâu đã trở thành câu chuyện “đến hẹn lại lên, lặp đi lặp lại một vòng luẩn quẩn”, đó là vấn đề đặt ra của ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang).

Đặt câu hỏi cho người đứng đầu Bộ Công thương, bà Hương nói: “Những năm gần đây, câu chuyện ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu phía Bắc đã trở thành câu chuyện đến hẹn lại lên, cứ lặp đi lặp lại một vòng luẩn quẩn khiến người nông dân đã vất vả càng thêm bất an. Vẫn biết chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch cần giải pháp, lộ trình này được triển khai như thế nào?”

Mở đầu câu trả lời, ông Diên khẳng định: “Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp đã rất trách nhiệm… đã đề xuất, kiến nghị, khuyến nghị hợp tác chặt chẽ để giải quyết tình trạng ùn tắc. Giải pháp đưa ra là nâng cao năng lực sản xuất trong nước và đưa hàng đi giới thiệu, chào hàng thông qua thương vụ ở nước ngoài nhưng sản lượng bán ra trong bối cảnh này chẳng được bao nhiêu”.

Ông Diên cho biết thêm cần phải đưa hàng hóa lên cửa khẩu một cách nhịp nhàng, đạt chuẩn xử lý dịch bệnh cho tốt. Đối với giải pháp lâu dài, Bộ Công thương cho biết đã trình đề án xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch… nhưng còn đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

ĐBQH Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu thực trạng: “Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, hiện nay tình trạng người dân sản xuất được mùa thì mất giá, đặc biệt là các mặt hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thanh long các tỉnh Bình Thuận, Long An có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, với lý do là không xuất khẩu được”.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đặt vấn đề làm sao để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể đáp ứng được chính sách nhập khẩu hàng hóa của các nước khác trong bối cảnh ùn tắc cửa khẩu phía Bắc có lúc lên tới hơn 5.000 container. “Chúng ta có bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi, thông suốt, ổn định, an toàn và đạt mong muốn đề ra hay không?”, ông Dũng chất vấn.

Bộ trưởng Diên cho biết: “Chúng ta đang vận hành trong cơ chế thị trường, Việt Nam đang hội nhập vào kinh tế thế giới với 17 hiệp định thương mại tự do. Nhu cầu hàng hóa, nhất là những trái cây vùng nhiệt đới là rất lớn… Thế nhưng chúng ta không muốn hoặc không làm được tiêu chuẩn, muốn bán đi nhưng không có địa chỉ, không đạt tiêu chuẩn, không có hợp đồng”.

Ông Diên cho hay nếu Việt Nam chỉ ký hiệp định thương mại mà chỉ dừng ở việc ký, sau đó tiêu thụ hàng của người ta chứ mình không xuất đi được thì không có ý nghĩa, không phải thực sự hội nhập kinh tế thế giới.

“Chúng ta đã là thành viên của rất nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng nếu không nâng năng lực sản xuất lên, không nâng khả năng thích ứng để thích ứng được với các thị trường thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, chúng ta trở thành thị trường tiêu thụ cho các đối tác.” – ông Diên nhận định.

Bộ trưởng Diên nói thêm: “Tôi và Bộ trưởng Lê Minh Hoan (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) đã họp và khuyến cáo về lâu dài là phải thay đổi cách sản xuất, phải quy hoạch vùng trồng, phải tuân thủ vào các quy định về tiêu chuẩn, phẩm cấp sản phẩm, quy cách thì chúng ta mới có thể xuất đi được.

Kết thúc phần trả lời câu hỏi của bà Song An, ông Diên nói: “Trước mắt ùn ứ thì phải giải tỏa, tắc đâu thì thông đấy, còn không thông được thì thôi chúng ta lại phải bảo nhau rằng ‘Tiên trách kỷ, Hậu trách nhân’ thôi“.

Quang Minh