Nhiều vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp, trong đó nguồn lợi khai thác thuỷ hải sản Việt Nam được đưa ra chất vấn đối với người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT).

thẻ vàng EU
Làng chài Mũi Né, Bình Thuận, ngày 22/1/2019. (Ảnh minh họa: Eo naya/Shutterstock)

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề “thẻ vàng EU”, Bộ trưởng cho biết đây là luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không chính xác.

“25 quốc gia bị rút thẻ, trong đó có 2 cấp, vàng và đỏ. Đối với thẻ vàng thì sản phẩm của nước đó bị kiểm soát 100%, nếu không khắc phục được thì EU rút thẻ đỏ, khi đó 28 nước đó không nhập thủy sản của nước vi phạm.

Việt Nam có sai phạm trong đánh bắt, rồi tổ chức quản lý, khai báo sản phẩm không đúng yêu cầu nên EU đã rút thẻ vàng đối với chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Bộ NN-PTNT, nếu không chống được khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thì Việt Nam có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Nếu bị áp thẻ đỏ thì Việt Nam sẽ bị cấm hoàn toàn xuất khẩu hải sản sang EU. Nghiêm trọng hơn, do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Cường cho biết  cuối năm 2017, Việt Nam đã ban hành Luật Thuỷ sản, trong đó đã đưa vào 9 nhóm kiến nghị của EU, đồng thời đã ban hành 2 nghị định và 8 thông tư, thể hiện theo yêu cầu của kiến nghị của EU. Theo ông Cường, đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững.

“Quan điểm của chúng tôi là việc nỗ lực gỡ thẻ vàng không phải vì riêng EU mà còn vì nghề cá bền vững. Xuất khẩu hải sản vào EU chỉ vài trăm triệu USD không có ý nghĩa nhiều về kinh tế nhưng đây là danh dự quốc gia. Nếu gỡ được thẻ vàng, hải sản Việt Nam hiên ngang xuất khẩu sang các nước trên thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Ông Cường cho biết sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, vi phạm ở vùng biển phía nam; trong năm 2019, còn 113 vụ với hơn 180 ngư dân vi phạm quy định đánh bắt hải sản.

Ông cho biết từ ngày 5/11, phái đoàn của EU đến Việt Nam để kiểm tra lần hai. Bộ NN-PTNT sẽ cố gắng để EU gỡ bỏ thẻ vàng đối với ngành thuỷ sản Việt Nam dù điều này được xác định rất khó khăn.

thẻ vàng EU
Cá biển được ướp đá, đưa vào bờ, Phan Thiết, ngày 30/9/2018. (Ảnh: Huy Thoai/Shutterstock)

IUU là từ viết tắt của Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, khai thác không khai báo, và khai báo không đúng khai thác để bảo vệ tài nguyên đại dương.

Quy định này đưa ra 3 tiêu chuẩn đối với hải sản nhập khẩu vào EU.

Thứ nhất, cấm nhập khẩu đối thủy sản được đánh bắt ở những vùng biển trái phép hoặc cấm đánh bắt. Những tàu cá không được cấp phép đánh bắt cá hay vi phạm quy định khai thác hải sản của quốc gia, quốc tế cũng bị liệt vào nhóm trên. Theo Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO), đánh bắt cá trái phép khiến thế giới mất khoảng 23 tỷ USD mỗi năm.

Thứ hai, IUU quy định những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước lẫn quốc tế.

Thứ ba, IUU yêu cầu các tàu đánh cá treo cờ của một quốc gia nào đó và không được khai thác quá mức, đánh bắt cá con hay tàn phá nguồn thủy sản của một khu vực.

Theo Uỷ ban châu Âu, IUU nhằm duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thuỷ sản và đa dạng sinh thái biển. Để đạt được điều này, IUU yêu cầu các nước sở tại phải xác nhận nguồn gốc và tính hợp pháp của các hải sản, do đó đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm hải sản được giao thường từ hay vào EU.

Năm 2011, chế tài này chính thức có hiệu lực. Sau khi rút thẻ vàng (cảnh báo), thẻ xanh sẽ được đưa ra nếu các vi phạm được giải quyết và ngược lại thẻ đỏ sẽ được ban hành, kèm theo lệnh cấm giao dịch thương mại.

Ngày 23/10/2017, EU đã rút thẻ vàng IUU đối với Việt Nam do những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai. Với lệnh cảnh cáo này, thủy hải sản do Việt Nam xuất khẩu sang EU bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất.

Việt Nam đang khai thác quá mức nguồn lợi thủy hải sản

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận sản lượng khai thác của Việt Nam hiện đang trên mức tiềm năng, mất cân đối, khai thác quá mức.

Trữ lượng trung bình ước tính vào khoảng 4,7 triệu tấn nhưng hàng năm Việt Nam đang khai thác khoảng 3,1 – 3,2 triệu tấn. “Điều này là quá mức”, Bộ trưởng Cường nói.

Nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nội địa đã bị khai thác quá giới hạn cho phép. Nguồn lợi thủy sản suy giảm về trữ lượng, sản lượng và kích thước, thành phần loài.

Các hộ bắt thủy hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài. Người dân vẫn sử dụng ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi, như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay), đánh bắt cá con, đánh bắt ở vùng biển ven bờ, thủy vực nội đồng, trong các khu bảo tồn biển.

Số phương tiện đánh bắt của Việt Nam quá nhiều, 96.609 chiếc với tổng công suất trên 10 triệu CV, trong đó có 2.618 chiếc tàu lớn cỡ từ 24m trở lên. Theo ông Cường, số lượng này là “quá đông”.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết trước mắt, tăng cường cơ cấu lại không tăng sản lượng khai thác mà tập trung đi vào chuỗi giá trị, chăn nuôi.

Về lâu dài, Bộ dự kiến triển khai thực hiện Đề án cấm, hạn chế hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản. Xây dựng chính sách: Chuyển đổi nghề cho cộng đồng ngư dân sử dụng nghề tận diệt (te, xiệp, lưới kéo…) sang các nghề khác; Hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác thuỷ sản; Phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ngoài ra, phục hồi, tái tạo nguồn lợi cần tập trung các loài nguy cấp, quý, hiếm, các loài bản địa, đặc hữu; xây dựng các dự án phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rạn nhân tạo.

Thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản bản địa; vào vùng nước tự nhiên; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

Nguyễn Quân

Xem thêm: