Giải trình về giải pháp miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính – ông Hồ Đức Phớc cho hay hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, “ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào […]. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa”.

Tại phiên họp sáng 16/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế hỗ trợ nói trên.

ong ho duc phoc 2
Ông Hồ Đức Phớc khi còn là Tổng Kiểm toán nhà nước (tháng 9/2020), nay giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. (Ảnh: quochoi.vn)

Năm 2020: miễn, giảm thuế phí 129 nghìn tỷ; năm 2021: dự kiến miễn, giảm 118 nghìn tỷ

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 là khoảng 129 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến, năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

Với các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng.

Giảm thuế thu nhập theo định mức doanh thu của doanh nghiệp?

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường bày tỏ việc cần thiết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 như Tờ trình của Chính phủ.

Trước đề xuất của Chính phủ là “giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng”, một số ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “doanh nghiệp phải có tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020” vì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch nên có lãi là đã rất cố gắng, cần được hỗ trợ. Việc quy định như dự thảo không hợp lý với những doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 tăng so với năm 2020 vì bị tăng chi phí đầu vào, song thu nhập lại giảm.

Có ý kiến đề nghị nên so sánh tổng doanh thu của năm 2021 với tổng doanh thu của năm 2019 (năm chưa chịu tác động bởi dịch); đề nghị việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải dựa trên 4 tiêu chí tác động của dịch bệnh: vùng, khu vực; thời gian; ngành/lĩnh vực; mức thiệt hại để từ đó, đề xuất 3 mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng 30%, 50% và 100%.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với nội dung về giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng miễn toàn bộ số thuế phải nộp quý 3 và 4/2021. Vì đa phần các hộ phải tạm dừng kinh doanh hoặc có doanh số bị ảnh hưởng đáng kể, trong khi cơ chế thu thuế đối với các hộ này dựa trên doanh số khoán được xác định từ đầu năm. Việc miễn toàn bộ số thuế của 2 quý cuối năm tương đương với mức giảm 50% số thuế phải nộp cả năm 2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách. Có những vùng, lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch, thậm chí được hưởng lợi, có điều kiện phát triển hơn, như sản xuất khẩu trang, thiết bị vật tư y tế, ngành nghề thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến… “Trong khi đó, nguyên tắc thuế là tiền khai, hậu kiểm; chúng ta chỉ hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị tác động. Sau khi kê khai, cơ quan thuế sẽ cho các doanh nghiệp hưởng và sẽ hậu kiểm lại” – ông Huệ cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: ‘Ngân sách nhà nước rất khó khăn’

Tiếp nhận các ý kiến và giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính – ông Hồ Đức Phớc cho hay số thuế hỗ trợ theo chính sách này, trong điều kiện thông thường thì chỉ bằng TP.HCM thu 20 ngày. “Vào lúc khó khăn này, đây chính là ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’ để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Phớc nói.

Ông Phớc cho hay việc thiết kế chính sách cũng phải dựa trên mức bình quân tương đối, chứ không thể đạt công bằng 100%. Ngoài ra, với những doanh nghiệp không có thuế phải nộp thì chính sách hỗ trợ được hưởng là không bị tính tiền phạt đối với các khoản chậm nộp trước đó. Cùng với gói hỗ trợ này, tổng mức hỗ trợ về tài khóa cho người dân, doanh nghiệp trong năm 2021 đã lên đến 140.000 tỷ đồng.

Về những ý kiến rằng cần bổ sung các gói, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phớc chia sẻ hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam, nhưng không có ngân sách để cấp. Ngân sách dự phòng thì đã hết.

“Hiện phần tiết kiệm chi và một số khoản khác còn lại khoảng 14.620 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mới có thể chi tiếp tục. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa”, ông Phớc cho biết.

Về một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, theo ông Phớc, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, khó quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Ông Phớc nhấn mạnh lúc này, điều cấp thiết là các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai sớm. Các doanh nghiệp trên cả nước đang gặp rất khó khăn. Mặc dù có 8 tỉnh không có dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng đáng kể về nguồn cung ứng hàng hóa, về thị trường, lao động…

Sau biểu quyết, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Dự kiến nghị quyết sẽ được soạn thảo và thẩm tra, sau đó trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10 tới.

Nguyễn Minh (Theo Cổng thông tin Điện tử Đảng bộ TP.HCM, Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp)

Xem thêm:

Các doanh nghiệp châu Âu đang dần chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam