AP đưa tin, Bộ Trưởng Ngân Khố Janet Yellen hôm Chủ Nhật (12/3) cho biết chính phủ liên bang sẽ không giải cứu SVB, nhưng đang làm việc để giúp đỡ những người gửi tiền đang lo lắng về tiền của họ.

shutterstock 1633395511
Ngân hàng SVB sụp đổ khiến hàng tỷ USD mắc kẹt là vụ lớn nhất kể từ khủng hoảng 2008

Video của ABC News: Không có gói cứu trợ liên bang cho vụ SVB

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bảo hiểm số tiền gửi đến hạn mức 250.000 USD. Nhưng làm một ngân hàng đầu tư mạo hiểm hoạt động chủ yếu ở công ty khởi nghiệp về công nghệ, SVB có nhiều tài khoản công ty và người giàu với số tiền vượt hạn mức này. Có những lo ngại rằng một số người lao động trên cả nước sẽ không nhận được tiền lương do vụ SVB sụp đổ.

Không có kế hoạch nào được công bố vào chiều Chủ nhật khi còn nhiều giờ nữa cho đến khi thị trường châu Á mở cửa. Có nhiều hy vọng rằng SVB sẽ được mua lại, nhưng không rõ liệu người mua có xuất hiện hay không.

Các quan chức liên bang đặt ra hạn chót là 2h chiều để những người mua tiềm năng nộp hồ sơ dự thầu trong một cuộc đấu giá của chính phủ cho ngân hàng, theo một người quen thuộc với vấn đề này. Người yêu cầu giấu tên nói về những cuộc trò chuyện riêng tư. Bloomberg là nơi đầu tiên báo cáo cuộc đấu giá.

Janet Yellen, Bộ trưởng Ngân khố, trong cuộc phỏng vấn sáng Chủ Nhật với chương trình “Face the Nation” của CBS, đã cung cấp một số chi tiết về các bước tiếp theo của chính phủ Mỹ. Nhưng bà nhấn mạnh rằng tình hình đã khác nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính cách đây gần 15 năm khi các ngân hàng cần được cứu trợ để bảo vệ ngành.

“Chúng tôi sẽ không làm điều đó một lần nữa,” bà nói. “Nhưng chúng tôi quan tâm đến người gửi tiền và chúng tôi tập trung vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ.”

Khi Phố Wall náo loạn, bà Yellen đã cố gắng trấn an người Mỹ rằng sẽ không có hiệu ứng domino sau sự sụp đổ của SVB.

“Hệ thống ngân hàng Mỹ thực sự an toàn và được vốn hóa tốt,” bà tuyên bố, và “nó thật sự vững vàng.”

SVB, có trụ sở tại Santa Clara, California, là ngân hàng lớn thứ 16 của quốc gia. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ sau sự sụp đổ của Washington Mutual vào năm 2008.

Bà Yellen mô tả lãi suất tăng, do được Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng lên trong năm qua để chống lạm phát, là vấn đề cốt lõi trong vụ SVB sụp đổ. Nhiều tài sản của nó, chẳng hạn như trái phiếu hoặc chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, đã mất giá trị thị trường khi lãi suất leo thang.

“Các vấn đề về công nghệ không phải là trọng tâm của vụ [sụp đổ] của ngân hàng này,” bà khẳng định.

Giới chức Hoa Kỳ lần lượt lên tiếng trấn an người dân.

Bà Yellen cho biết bà kỳ vọng các cơ quan quản lý sẽ xem xét “một loạt các lựa chọn khả dụng” để giúp đỡ những người bị thiệt hại, bao gồm cả việc một tổ chức khác mua lại SVB. Hiện nay, chưa có công bố người mua SVB.

Sheila Bair, từng là chủ tịch FDIC trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhớ lại rằng với hầu hết các ngân hàng phá sản trong thời gian đó, “chúng tôi đã bán một ngân hàng phá sản cho một ngân hàng hoạt động lành mạnh. Và thông thường, người mua lành mạnh cũng sẽ bảo hiểm cho những người không có bảo hiểm vì họ muốn giá trị nhượng quyền của những người gửi tiền lớn đó một cách tối ưu, đó là kết quả tốt nhất.”

Nhưng với SVB, bà Bair nói trong chương trình “Meet the Press” của NBC, “đây một vụ mất khả năng thanh khoản, đó là một vụ ‘bank run’ (rút tiền ngân hàng liên tiếp), vì vậy họ không có thời gian để chuẩn bị tiếp thị [bán] ngân hàng. Vì vậy, họ phải làm điều đó ngay bây giờ và cố gắng bắt kịp tình huống.”

Cơ quan quản lý đã tịch thu tài sản của ngân hàng vào thứ Sáu. Tiền gửi được bảo hiểm bởi chính phủ liên bang được báo cáo sẽ sẵn sàng vào sáng thứ Hai cho khách hàng.

“Tôi đã làm việc cả cuối tuần với các cơ quan quản lý ngân hàng của chúng tôi để thiết kế các chính sách thích hợp để giải quyết tình trạng này,” bà Yellen chia sẻ, tuy nhiên bà “thực sự không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết hơn vào thời điểm này.”

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, nói với “Sunday Morning Futures” của Fox News rằng ông hy vọng chính quyền sẽ công bố các bước tiếp theo ngay sau Chủ Nhật.

“Họ có các công cụ để xử lý tình hình hiện tại, họ biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề này và họ đang nỗ lực để đưa ra một số thông báo trước khi thị trường mở cửa,” ông nói.

Ông McCarthy cũng bày tỏ hy vọng rằng SVB sẽ được mua lại.

“Tôi nghĩ rằng đó sẽ là kết quả tốt nhất để tiến lên phía trước và hạ nhiệt thị trường, đồng thời để mọi người hiểu rằng chúng ta có thể tiến lên một cách đúng đắn,” ông nói.

Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Ro Khanna, người có quận bao gồm thành phố nơi ngân hàng đặt trụ sở chính, cho biết chính phủ bắt buộc phải đảm bảo tất cả những người gửi tiền và họ “có toàn quyền truy cập vào tài khoản của mình vào sáng thứ Hai.”

“Thời gian đang trôi qua,” ông nói với CBS.

Thượng nghị sĩ Mark Warner cho biết trong một cuộc phỏng vấn với “This Week” của ABC News rằng ông lo ngại rằng sự sụp đổ của ngân hàng có thể khiến những người lo lắng chuyển tiền từ các ngân hàng khu vực khác sang các tổ chức lớn hơn.

“Chúng tôi không muốn củng cố thêm,” ông nói.

Ông Warner gợi ý rằng sẽ có một “rủi ro đạo đức” trong việc hoàn trả cho những người gửi tiền vượt quá giới hạn 250.000 đô la và cho biết việc mua lại sẽ là bước tiếp theo tốt nhất.

“Tôi lạc quan hơn vào sáng nay so với chiều hôm qua vào thời điểm này,” ông nói. “Nhưng, một lần nữa, chúng ta sẽ xem điều này diễn ra như thế nào trong phần còn lại của ngày.”

Ông nói thêm: “Điều chúng tôi phải tập trung vào ngay bây giờ là làm thế nào để đảm bảo không có sự lây lan.”

Tổng thống Joe Biden và Thống đốc Gavin Newsom đã nói về “những nỗ lực giải quyết tình hình” vào thứ Bảy, mặc dù Nhà Trắng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các bước tiếp theo.

Ông Newsom cho biết mục tiêu là “ổn định tình hình càng nhanh càng tốt, để bảo vệ việc làm, sinh kế của người dân và toàn bộ hệ sinh thái đổi mới đã đóng vai trò là trụ cột cho nền kinh tế của chúng ta.”

Nhật Tân