Bộ Xây dựng Việt Nam vừa đưa ra báo cáo về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) trong quý 1/2022. Trong đó, đáng chú ý nhóm BĐS dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 17.211 tỷ đồng, chiếm hơn 43% tổng giá trị phát hành. Việc này được Bộ Xây dựng đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường.

trai phieu bat dong san dan dau quy 1 2022 trai phieu BDS nhieu rui ro
Bộ Xây dựng đánh giá thị trường trái phiếu BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro, có doanh nghiệp phát hành cao gấp 40 lần vốn chủ sở hữu. (Ảnh minh họa: moc.gov.vn)

Dựa trên số liệu tổng hợp từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và thống kê từ Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), Bộ Xây dựng cho biết trong quý 1/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ và 9 đợt phát hành ra công chúng (tổng 57 đợt phát hành).

Về giá trị, phát hành riêng lẻ đạt 30.998 tỷ đồng, chiếm hơn 78% và phát hành ra công chúng đạt 8.696 tỷ đồng, chiếm gần 22%. Tổng giá trị phát hành đạt 39.694 tỷ đồng trong quý 1/2022.

So với cùng kỳ năm trước, trị giá phát hành riêng lẻ giảm 24,17% và phát hành ra công chúng tăng 13,78%.

Theo Bộ Xây dựng, đáng chú ý nhóm BĐS vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với hơn 17.211 tỷ đồng (chủ yếu là phát hành riêng lẻ), chiếm hơn 43,3% tổng giá trị phát hành. Việc này được Bộ Xây dựng đánh giá tiềm ẩn rủi ro đối với thị trường khi nhóm này huy động vốn với quy mô lớn, lãi suất cao.

Một số rủi ro được Bộ Xây dựng đưa ra như: lượng phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu; kỳ hạn phát hành ngắn (từ 3-5 năm) đặc biệt là đối với doanh nghiệp BĐS huy động để triển khai dự án (thời gian triển khai dự án thường dài hơn, trên 5 năm), tài sản bảo đảm là các BĐS, dự án trong khi công tác định giá tài sản bảo đảm có thể không sát với giá thực tế (định giá cao hơn giá trị thực),…

Về thị trường trái phiếu, vụ việc hủy 9 đợt phát hành trái phiếu (trị giá 10.030 tỷ đồng) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh khiến nhiều nhà đầu tư hiện chưa thể lấy lại được số tiền. Ông Đỗ Anh Dũng cùng nhiều lãnh đạo của Tập đoàn này bị bắt vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ở diễn biến gần đây nhất từ phía cơ quan nhà nước, UBCKNN phát đi thông báo hôm 27/4 nêu ý kiến về thủ tục hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư, trong đó Ủy ban này đề nghị Tập đoàn Tân Hoàng Minh và nhà đầu tư trái phiếu làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để giải quyết.

Một số nhà đầu tư đã đến trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh để đòi lại tiền nhưng lãnh đạo cho hay còn đang trong quá trình giải quyết, chưa thể ngay lập tức trả tiền.

Hôm 27/4, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết sẽ vay mượn từ nhiều nguồn để có tiền nộp vào Kho bạc Nhà nước nhằm hoàn trả một phần cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành thủ tục hướng dẫn từ phía nhà nước, Tập đoàn này dự định sẽ bán 2-3 dự án thu hồi vốn để tiếp tục chi trả.

Tại báo cáo trên, Bộ Xây dựng còn cho biết quý 1/2022, số lượng doanh nghiệp BĐS đăng ký thành lập tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn số doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động sau dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) là 845 doanh nghiệp, tăng 92% so với cùng kỳ 2021. Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 800 sàn giao dịch BĐS đã trở lại hoạt động (so với quý 4/2021 là 400 sàn giao dịch).

Đức Minh