Cơ quan Đài Loan đã thu giữ và tiêu hủy 1.440 kg mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam, vụ việc đã thu hút dư luận khi loại mì này khá phổ biến ở thị trường trong nước. Mới đây đại diện nhà sản xuất mì Omachi – Masan Consumer cho biết Công ty không bán trực tiếp loại mì này cho Đài Loan.

mì ăn liền phở ăn liền việt nam bị EU cảnh báo thu hồi 1540948157
Việt Nam đứng thứ ba về tiêu thụ mì ăn liền trên thế giới với khoảng 8,5 tỷ gói vào năm 2021, theo WINA (Ảnh minh họa: Monthira/Shutterstock)

Hãng thông tấn Đài Loan (CNA tiếng Trung) đăng tải bản tin hôm 23/8, cho biết Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (thuộc Bộ Y tế Đài Loan) đã quyết định thu giữ và tiêu hủy 1.440 kg mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam thông qua Công ty Qianyu (Thiên Du).

Ông Trần Khánh Dụ, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu vực phía Bắc (Đài Loan) cho biết đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này vi phạm và tổng cộng có 3 lô hàng được phát hiện có dư lượng chất Ethylene Oxide – chất được xếp vào loại thuốc trừ sâu và bị cấm dùng ở quốc gia này.

Cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện trong gói bột gia vị mì gói hương vị tôm chua cay của Omachi có chứa 0,195 mg/kg Ethylene Oxide.

Screenshot at Aug 25 05 40 57
Loại mì Omachi bị Bộ Y tế Đài Loan thu giữ và tiêu hủy được CNA đăng tải vào ngày 23/8. (Ảnh chụp màn hình: cna.com.tw)

Tối ngày 24/8, phản ứng trước thông tin các báo dẫn từ hãng thông tấn CNA, đại diện (không nêu danh tính) Masan Consumer cho biết Công ty không xuất khẩu trực tiếp sang Đài Loan hoặc bán sản phẩm mì Omachi Xốt tôm chua cay cho đối tác là Công ty Qianyu, theo báo Tuổi Trẻ.

Vị đại diện cho hay do tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước là khác nhau nên Masan Consumer đáp ứng tiêu chuẩn từng quốc gia cũng khác nhau.

Còn tại Việt Nam, vị này khẳng định các sản phẩm mì Omachi “đang được sản xuất đáp ứng đầy đủ mọi quy định về an toàn thực phẩm của Nhà nước Việt Nam”.

Trước đó, hôm 29/7, FDA Đài Loan đã tiêu hủy hơn 1 tấn mì gói nhập khẩu từ Việt Nam cũng với lý do tương tự – chứa chất cấm Ethylene Oxide.

Còn tại châu Âu, ngày 22/7, ông Ngô Xuân Nam – Phó giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, văn phòng SPS nhận được 3 cảnh báo từ Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU).

Ba nước Châu Âu là Đức, Ba Lan và Malta đã gửi cảnh báo và thu hồi các sản phẩm mì ăn liền có chứa hoá chất vượt quy định của EU từ các lô hàng mì ăn liền và bánh phở nhập khẩu của ba công ty Việt Nam.

Tương tự Đài Loan, Đức cảnh báo mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu vì chứa dư lượng EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở thương hiệu Nguyễn Gia vì sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép. Nước này cũng đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.

Còn Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam – Vifon (quận Tân Phú, TP.HCM), hiện nước này đã trả lại lô hàng.

Theo ông Nam, việc doanh nghiệp của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU sẽ gây khó khăn cho quá trình tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền của Việt Nam vào EU của Văn phòng SPS Việt Nam.

Ethylene Oxide được Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) xếp vào loại chất gây đột biến và ung thư. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe nếu tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm EO trong một thời gian dài. Do đó, người sử dụng cần giảm thiểu việc tiếp xúc với EO.

Năm 2021, Việt Nam tiêu thụ hơn 8,5 tỷ gói và đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia, theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới. Tuy đứng vị trí thứ ba nhưng nếu xét về tốc độ tăng trưởng, không thị trường nào trong top 10 vượt qua được Việt Nam.

Đức Minh