Sáng nay (26/3), Grab thông báo tới tất cả các lái xe tại Việt Nam về việc Uber đã gia nhập Grab và trở thành một phần trong nền tảng công nghệ của Grab.  Tuy nhiên, tâm trạng của những người trong cuộc lại chất chứa nhiều băn khoăn.

Grab-Uber
(Ảnh qua: gainvouchers.com)

Theo nguồn tin từ Bloomberg, sáng nay (26/3) tại Singapore, sẽ công bố thỏa thuận Uber nhượng lại thị trường Đông Nam Á cho Grab để đổi lấy 25-30% cổ phần của hãng này.

Softbank thúc đẩy sáp nhập mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á vào Grab

Thỏa thuận được thúc đẩy bởi Softbank, nhà đầu tư nắm giữ cổ phần tại cả hai công ty Grab và Uber. Trước đó, năm 2016, Uber đã rút khỏi thị trường Trung Quốc, nhượng lại mảng kinh doanh cho đối thủ Didi Chuxing (cũng cùng chủ đầu tư Softbank). Năm 2017, Uber cũng thoái vốn khỏi Nga, chuyển thị trường vào tay Yandex. Nguồn tin cho biết, tại thị trường Đông Nam Á, Uber sẽ chuyển giao mảng kinh doanh taxi, xe ôm cũng như giao hàng.

Thông tin Uber nhượng lại thị trường Đông Nam Á cho Grab đã rò rỉ từ đầu tháng Ba, tuy nhiên cả hai hãng đều từ chối trả lời báo chí về vấn đề này. Trong nội bộ Grab tại Việt Nam cũng cho biết mục tiêu năm nay, Grab sẽ thôn tính mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á và chuẩn bị đối phó với đối thủ Go Jek từ Indonesia.

Từ đầu tháng Ba, nhiều lái xe Uber tại Việt Nam đã nhận được lời chào mời gia nhập Grab. Để đối phó với khủng hoảng, Uber cách đây vài ngày cũng đã gửi thư trấn an các tài xế rằng hãng này vẫn tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam, mọi thông tin về việc Uber rời khỏi thị trường Việt Nam là không chính xác!?

Sau ngày 8/4/2018, Uber sẽ không còn ở Việt Nam?

Sáng nay (26/3), Grab đã thông báo tới các lái xe rằng hiện nay hãng này đang trong giai đoạn hợp nhất, điều chỉnh các hoạt động và sẽ hoàn tất chuyển giao các dịch vụ đang có của Uber sang ứng dụng Grab vào ngày 8/4/2018. Từ giờ tới 8/4, khách hàng và lái xe vẫn sử dụng cả hai ứng dụng bình thường.Grab

Bề bộn trước ngưỡng cửa chuyển giao

Trên Facebook của Hội lái xe Uber, Grab, tâm trạng của các tài xế tỏ ra khá chán nản, hoang mang. Các lái xe nhận định, nếu chỉ còn Grab kinh doanh tại Việt Nam thì khả năng họ bị chèn ép các điều kiện kinh doanh từ phía Grab là rất cao, cả về chiết khấu cũng như các điều khoản thưởng phạt, khả năng bị ngắt ứng dụng…

Không chỉ chịu sức ép từ phía Grab, các tài xế còn đang phân tán tư tưởng bởi dự thảo Nghị định 86 sửa đổi về điều kiện kinh doanh ô tô do Bộ Giao thông vận tải vừa ký chuyển Bộ Tư pháp thẩm định mới đây. Theo đó, các xe chạy Uber, Grab phải lắp mào Taxi điện tử và chịu các điều kiện quản lý chặt chẽ như taxi. Tuy nhiên, đây không phải lý do chính mà các lái xe Grab, Uber cảm thấy bất bình.

Theo các tài xế, dự thảo chỉ chú trọng việc siết chặt các điều kiện kinh doanh chứ không bảo vệ quyền lợi của người lao động, người đầu tư xe. Trong khi các nước đã công nhận Uber là công ty vận tải, yêu cầu công ty này phải ký hợp đồng với các lái xe thì ở Việt Nam hoàn toàn không có bất cứ một quy định nào bảo đảm quyền lợi của lái xe. Hiện nay, những lái xe hoàn toàn phụ thuộc vào ứng dụng Grab, không có bất cứ một cam kết nào từ phía nhà cung cấp dịch vụ, không có hợp đồng hợp tác cũng như hợp đồng lao động với Grab.

>> Nếu kinh doanh ở Trung Quốc, Grab, Uber phải ký hợp đồng lao động với tài xế

Việc chuyển giao thị trường được thực hiện bởi công ty Grab Singapore, nhưng tổ chức phát triển thị trường tại Việt Nam sẽ do Grabtaxi Việt Nam điều hành. Không rõ mô hình hoạt động trong thời gian tới như thế nào, có thành lập pháp nhân mới hay duy trì pháp nhân cũ, duy trì một thương hiệu hay hai thương hiệu. Tuy nhiên, cả Uber, Grab đều đang gặp khó với mô hình kinh doanh hiện tại.

Hiện nay, công ty TNHH Grabtaxi Việt Nam là công ty Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch, ông Jerry Lim làm Tổng giám đốc, có số vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ đồng (51% cổ phần trong nước, 49% cổ phần nước ngoài). Năm 2016, Grab báo lỗ 938 tỷ đồng, vẫn đang duy trì một khoản vay Grab Malaysia 50 triệu USD và thuộc diện kiểm soát thuế trọng điểm. Còn phía Uber vẫn chưa thanh toán khoản nợ thuế 53,3 tỷ đồng từ cuối năm trước.

Về thị trường, không rõ thỏa thuận của Uber, Grab cụ thể như thế nào? Tại Đông Nam Á sẽ duy trì một thương hiệu Grab hay song hành hai thương hiệu Grab, Uber? Ứng dụng Uber còn đặt xe ở Việt Nam được không? Rất nhiều câu hỏi còn nằm chờ quyết định từ phía công ty mẹ Grab.

Tuệ San

Xem thêm: