Doanh nghiệp BOT Cai Lậy cho biết sau 5 năm ngừng thu phí, khoản tiền lãi ngân hàng phát sinh là 500 tỷ đồng. Do không thu được phí nên doanh nghiệp này đề xuất sẽ làm việc với cơ quan nhà nước và đưa khoản tiền này vào tổng mức đầu tư ban đầu của dự án, còn thời gian thu phí hoàn vốn mới chưa được xác định.

BOT cai lậy thu phí trở lại từ 7 10
Tổng vốn dự án đầu tư BOT Cai Lậy có thể bị đội lên thêm 500 tỷ đồng và kéo dài thời gian thu phí. (Ảnh chụp màn hình: Truyền hình Tiền Giang/Facebook)

Tại cuộc họp do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức chiều 5/10, Ông Nguyễn Trung Duy – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết sau gần 5 năm ngừng thu phí (từ ngày 4/12/2017), doanh nghiệp này phát sinh thêm 500 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng (khoảng 10 tỷ đồng/tháng).

Được biết, dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu 210 tỷ đồng và vốn vay 1.178 tỷ đồng (tỷ lệ vốn vay tới 84,2%). Tổng mức đầu tư này chưa tính phần đầu tư trạm thu phí trên tuyến tránh thêm khoảng 60 tỷ đồng.

Ông Duy cho biết với tổng số tiền phát sinh 500 tỷ đồng như trên, doanh nghiệp sẽ làm việc với cơ quan nhà nước, đề xuất đưa khoản tiền này vào vốn đầu tư của dự án và thu bù trở lại vào thời gian tới.

Như vậy, nếu cộng cả chí phí xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh và chi phí lãi vay phát sinh, tổng mức đầu tư của dự án BOT Cai Lậy sẽ đội lên mức khoảng 1.958 tỷ đồng.

Tại buổi họp, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết BOT Cai Lậy sẽ chính thức thu phí từ 7h ngày 7/10/2022.

Doanh nghiệp cho biết vài ngày qua thống kê thu thử nghiệm, mỗi ngày đêm có khoảng 20.000 lượt phương tiện cơ giới lưu thông qua 2 trạm thu phí này (Quốc lộ 1 là 17.000 lượt/ngày đêm và trạm trên tuyến tránh là 3.000 lượt/ngày đêm).

Về mức giá, trạm thu phí trên tuyến tránh có mức giá thấp nhất là 24.000 đồng/xe và cao nhất là 137.000 đồng/xe; trạm thu phí trên Quốc lộ 1 có mức giá thấp nhất là 14.000 đồng/xe và cao nhất là 118.000 đồng/xe.

BOT Cai Lậy có kế hoạch thời gian thu phí hoàn vốn theo hợp đồng ban đầu là 6 năm 4 tháng 29 ngày. Tuy vậy, sau nhiều thay đổi, thời gian thu phí hoàn vốn mới chưa được xác định.

Trước đó, Bộ GTVT cho biết BOT Cai Lậy có 2 trạm thu phí đặt ở 2 địa điểm khác nhau, một ở tuyến tránh và một ở trên Quốc lộ 1. Nếu trạm nào thu phí hoàn vốn xong sẽ gỡ bỏ trạm đó trước.

Chiều dài tuyến tránh khoảng 26 km (vốn đầu tư khoảng 680 tỷ đồng); thành phần thứ hai là tăng cường chất lượng mặt đường Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang) với chiều dài 12km (vốn đầu tư hơn 379 tỷ đồng).

Tiền xây trạm thu phí 319 tỷ đồng (gồm 219 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và 100 tỷ đồng công trình).

Cùng với cách thu phí hoàn vốn nêu trên, Bộ GTVT cho biết sẽ thực hiện phân luồng xe như quyết định trước đó của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe từ 29 chỗ ngồi; xe từ 3 trục trở lên phải bắt buộc đi vào tuyến tránh.

Đức Minh