Đã quá nửa năm kể từ lần hẹn cuối của Thanh tra Chính phủ, khi nói cuối quý 3/2019 sẽ công bố kết quả kiểm tra giá điện sau khi đợt điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vào nửa cuối tháng 3/2019 làm hóa đơn điện tăng cao. Nay, hàng loạt hộ gia đình tiếp tục đối mặt với hóa đơn điện tăng đột biến so với tháng trước. Lý giải “vì mức tiêu thụ điện tăng cao” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị xem như thông cáo cho có khi mà các vấn đề người dân lưu tâm như mức giá lũy tiến, tình trạng “bù chéo”… lại không được đề cập, giải thích dù đã được nhắc tới hàng năm. 

Tóm tắt:

  • Bậc giá lũy tiến cần thay đổi
  • Điện sinh hoạt, kinh doanh “bù giá” cho điện sản xuất – thế giới cũng áp dụng, vì sao lại trở nên bất cập ở Việt Nam?
gia dien bat cap
Mạng lưới dây điện trong một khu dân cư tại TP.HCM, tháng 4/2020. (Ảnh: Ngoc Tran/Shutterstock)

Theo quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện do ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương ký vào ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang với mức cao nhất là 2.927 đồng/kWh.

Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0 – 50kWh) là 1.678 đồng/kWh, bậc 2 (51 – 100kWh) là 1.734 đồng/kWh, bậc 3 (101 – 200kWh) là 2.014 đồng/kWh, bậc 4 (201 – 300kWh) là 2.536 đồng/kWh, bậc 5 (301- 400kWh) là 2.834 đồng/kWh, bậc 6 (401kWh trở lên) là 2.927 đồng/kWh.

Giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6kV, 22kV và 110kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất, điện áp dưới 6kV giờ cao điểm là 3.076 đồng/kWh, mức bán lẻ thấp nhất là 970 đồng/kWh vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110kV trở lên.

Với quyết định ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 8,36% so với giá cũ (1.720,65 đồng/kWh).

“Bù chéo” giữa hộ sử dụng nhiều và hộ sử dụng ít

Theo thang giá bán lẻ điện sinh hoạt, mức chênh giá giữa bậc 2 và bậc 1 là 56 đồng, bậc 3 và bậc 2 là 280 đồng, bậc 4 và bậc 3 là 522 đồng, bậc 5 và bậc 4 là 298 đồng, bậc 6 và bậc 5 là 93 đồng. Điều này cho thấy bậc giá lũy tiến đang khuyến khích cho mức tiêu dùng ở bậc 3 trở xuống (khoảng từ 200 kWh trở xuống), được cho là để khuyến khích người dùng tiết kiệm điện và hỗ trợ cho người nghèo.

Tuy nhiên, hiện nay, các thiết bị sử dụng điện tối thiểu trong gia đình đã nhiều hơn. Mức tiêu thụ điện phổ biến của người dân ở trong khoảng 201-400 kWh – nằm trong hai bậc 4 và 5 có mức giãn khoảng cách giá cả lớn nhất trong bậc thang lũy tiến.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam hồi năm 2019 nhận định biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc lũy tiến đã không còn phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện. Có sự chuyển dịch của các hộ tiêu dùng điện từ bậc này sang bậc khác: năm 2014, tỷ lệ hộ tiêu dùng điện dưới 50 kWh/tháng so với tổng số hộ dùng điện là 21,79%, giảm xuống còn 17% vào năm 2017, tiếp tục giảm còn 15,17% vào năm 2018; số hộ tiêu dùng điện ở mức 300 kWh/tháng trở lên vào năm 2014 là 8,63%, tăng lên 10,69% vào năm 2018… (1)

Cho rằng giá điện bậc thang giúp tiết kiệm điện, nhất là vào giờ cao điểm, song ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng thừa nhận cần điều chỉnh nâng bậc thang đầu tiên lên 100 kWh thay vì chỉ 50 kWh và có thể giãn khoảng cách ở các bậc khác. (2)

Điều này có nghĩa cơ chế bù chéo nhằm mục đích an sinh xã hội giữa các hộ đang trong tình trạng bất hợp lý. Tránh sử dụng điện 1 giá để tránh giàu cũng như nghèo, thì khung giá lũy tiến lỗi thời lại khiến bộ phận hộ tiêu dùng phổ thông phải chịu mức giá lớn hơn nhiều so với khung giãn khoảng cách mà các hộ sử dụng rất nhiều điện phải chịu.

Hiện phương án biểu giá 5 bậc với định mức tối thiểu dưới 100 kWh và khoảng sử dụng từ 201-400 kWh có cùng một mức giá mới được Bộ Công thương đề xuất lấy ý kiến từ cuối tháng 2/2020.

gia dien luy tien 5 bac
Phương án giá điện 5 bậc trong so sánh với biểu giá 6 bậc hiện hành (Đơn vị: đồng/kWh)

Giá điện sinh hoạt, điện kinh doanh “bù chéo” cho giá điện sản xuất

Đây không phải là vấn đề mới được đặt ra. Năm 2011, giải trình về số lỗ của ngành điện năm 2010, ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính lần đầu công bố ngành điện phải bù chéo cho ngành xi măng, ngành thép là 2.547 tỷ đồng.

Thông tin trên được đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) nhắc lại trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực hồi năm 2012, nhấn mạnh “Trong đó [ngành thép], liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài cho sản xuất thép là 506 tỷ đồng, như vậy ngành điện lại phải bù chéo cho cả nước ngoài…”, cho thấy chính sách giá điện không chỉ gây bất cập về giá giữa các nhóm tiêu dùng mà còn tạo lỗ hổng thất thoát nguồn tiền của quốc gia.

Qua các lần điều chỉnh giá điện, hiện trong biểu giá hiện hành, giá điện sản xuất vẫn thấp hơn giá điện sinh hoạt. Ví dụ, giờ bình thường, giá điện cho các ngành sản xuất (cấp điện áp từ 110kV trở lên) là 1.536 đồng/kWh, trong khi giá điện sinh hoạt bậc rẻ nhất đã là 1.678 đồng/kWh.

Theo giá quy sang USD, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hồi tháng 3/2019 cho hay giá điện sản xuất chỉ khoảng 6,8 cent/kWh trong khi giá điện sinh hoạt khoảng 8,7 cent/kWh và các ngành khác là 10 cent/kWh. (3)

Mặc dù tại các nước phát triển, giá điện sản xuất rẻ hơn giá điện sinh hoạt hộ gia đình. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, năm 2018, giá điện cho hộ gia đình là 12,89 cent/kWh, cho thương mại là 10,66 cent/kWh, cao hơn giá điện bình quân trong năm là 10,58 cent/kWh. Giá điện cho sản xuất công nghiệp là 6,93 cent/kWh và cho vận tải là 9,77 cent/kWh thấp hơn hẳn so với giá điện bình quân.

Điều này được lý giải do chi phí truyền tải điện đến hộ gia đình cao hơn; còn các cơ sở sản xuất mua điện nhiều, không cần hạ điện áp… nên giá bán cho sản xuất gần với giá bán sỉ.

Mặc dù vậy, điều này gắn liền với hiệu quả sử dụng năng lượng. Trong một bản tin vào tháng 6/2020 (4), cơ quan này cho hay tổng mức tiêu thụ điện tại Mỹ đã tăng nhẹ kể từ đầu những năm 2000, nhưng mức tiêu thụ điện trên mỗi người giảm gần 7% từ năm 2000 đến 2017 do những cải tiến trong hiệu suất sử dụng điện năng và thay đổi của nền kinh tế dẫn đến việc cần tiêu thụ ít điện năng hơn để tạo ra mỗi đơn vị sản lượng kinh tế (được đo lường bởi tổng sản phẩm quốc nội, GDP).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2018, khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ 54% lượng điện năng của cả nước song chỉ đóng góp 34% trong tổng thu nhập GDP; điện cho kinh doanh chiếm 9% tạo ra 41% GDP và 2% sản lượng điện của nông-lâm-thủy sản làm ra 18% GDP (điện sinh hoạt chiếm 35%).

Ông Trần Viết Ngãi cho biết sản xuất xi măng đang có mức tiêu thụ 100kWh điện/tấn xi măng. Với một nhà máy quy mô trung bình 2 triệu tấn xi măng/năm và sử dụng khoảng 2 triệu tấn đá vôi, có nghĩa sẽ tiêu tốn 200.000 tấn than, tiêu thụ khoảng 170 triệu kWh điện, thải ra khoảng 2,2 triệu tấn CO2. Trong khi đó, do tình trạng đầu tư ồ ạt trong 10 năm qua, ngành xi măng Việt Nam đang có công suất thiết kế gần gấp đôi nhu cầu nội địa, làm tăng xuất khẩu đột biến.

“Trong số các ngành tiêu thụ điện năng rất lớn như thép, xi măng, hóa chất, chính giá bán điện thấp đã không tạo ra sức ép buộc các nhà sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất cao”, ông Ngãi nói. Theo ông Ngãi, cần xây dựng mức giá bán lẻ điện cho khối sản xuất xi măng bằng mức giá bán lẻ điện sinh hoạt, đẩy áp lực cạnh tranh để loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, buộc những nhà máy sử dụng công nghệ cũ lạc hậu phải tiết giảm và tiết kiệm chi phí sản xuất, ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện. (5)

Trong đợt điều chỉnh giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ cho hay nếu giá điện sản xuất tăng lên thì chi phí điện trong giá thành sản phẩm cũng tăng lên, kéo theo giá bán sản phẩm tăng lên để bù đắp phần tăng của chi phí điện. Tương tự đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, khi giá điện sinh hoạt tăng, người tiêu dùng chỉ có hai cách, hoặc phải cố chi trả phần tăng thêm hoặc giảm tiêu thụ điện. “Nhưng thời tiết nắng nóng, làm sao người dân có thể không dùng quạt, điều hòa?”, theo ông Duệ. (3)

Tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người có thể độc lập với tăng trưởng sử dụng điện bình quân đầu người ở những nước có nền kinh tế lớn, phát triển; với nhu cầu sử dụng điện dân dụng phần lớn được thỏa mãn; và một tỷ lệ tương đối nhỏ tăng trưởng kinh tế đến từ sản xuất công nghiệp. Sản xuất một dịch vụ có giá trị kinh tế lớn hơn không nhất thiết phải sử dụng nhiều điện hơn dịch vụ có giá trị thấp hơn. – Bộ Năng lượng Hoa Kỳ

Điện sản xuất có giá thấp hơn điện tiêu thụ bởi khả năng cải tiến các sản phẩm để hiệu suất sử dụng điện năng tăng lên, khả năng tăng hiệu suất kinh tế để cải thiện thu nhập đầu người. Khi điều này không được đáp ứng (tại thời điểm năm 2019, 1kWh của Việt Nam chỉ làm ra 1,27 USD, chưa bằng một nửa so với mức trung bình của thế giới – 1 kWh sản xuất 3,3 USD), khó có thể lý giải cho câu chuyện “bù giá” lấy của người tiêu thụ chi cho người sản xuất, trong khi tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo, người dân vẫn phải mua điện giá cao từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu hoặc diesel do chưa có lưới điện quốc gia.

Vĩnh Long

Trích dẫn:

  1. https://dantri.com.vn/dien-dan/cach-tinh-bieu-gia-dien-sinh-hoat-6-bac-luy-tien-da-boc-lo-nhieu-khuyet-diem-20190509173614326.htm
  2. https://tuoitre.vn/bu-cheo-trong-gia-dien-la-nhu-the-nao-20190520121254089.htm
  3. https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/bu-cheo-trong-gia-dien-nguoi-dung-chiu-thiet-vi-kinh-te-3379915/
  4. https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=44095
  5. https://saigondautu.com.vn/kinh-te/nganh-xi-mang-tieu-hao-dien-qua-lon-76631.html