Bộ Công thương đang đề xuất mức phạt tối đa 100 triệu đồng đối với các hành vi buôn bán hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng, hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hành vi sản xuất thuốc giả, thực phẩm giả, mũ bảo hiểm giả… 

buon ban hang cam san xuat thuoc gia thuc pham gia de xuat phat 100 trieu dong 1
Trần Minh Hằng (SN 1962) chủ mưu trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả liên tỉnh quy mô lớn tại TP.HCM, 2017. (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp/dẫn qua nongnghiep.vn)

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP.

Tại Khoản 8 Điều 8 dự thảo Nghị định, Bộ Công thương đề xuất: Phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 50 kg trở lên hoặc từ 50 lít trở lên;

Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên;

Buôn bán pháo nổ từ 6 kg trở lên;

Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên;

Buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên.

Đối với hành vi sản xuất hàng cấm, cơ quan quản lý đề xuất phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với hành vi buôn bán hàng cấm. 

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm… Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi sản xuất hàng cấm.

Biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm quy định; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định.

thuoc gia
Các thùng thuốc giả (giả Vitamin C, thuốc giảm đau, kháng viêm, trị đau dây thần kinh…) bị thu giữ trong vụ án trên. (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp/dẫn qua nongnghiep.vn)

Ngoài ra, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức phạt tiền đề xuất từ 1 triệu đồng đến tối đa 50 triệu đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự), các mức phạt tương đương với trị giá của hàng hóa bị làm giả.

Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức phạt tiền đề xuất từ 2 triệu đồng đến tối đa 50 triệu đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) tùy theo trị giá của hàng hóa bị làm giả.

Đáng chú ý, đề xuất phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt đối với một trong các trường hợp sản xuất hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phmthuốc, nguyên liệu làm thuốc; là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Nếu được thông qua, dự thảo dự kiến có hiệu lực trong năm 2019.

Nguyễn Quân

Xem thêm: