Một doanh nghiệp xây dựng 42 căn nhà phố, giá rao bán khoảng 5 tỷ đồng/căn trên đất trồng cây lâu năm ở khu vực trung tâm TP Vĩnh Long. Vi phạm từ năm 2021 đến nay doanh nghiệp mới bị phạt vài trăm triệu đồng. Nhiều độc giả cho rằng sự việc này khó tin vì người dân xây dựng hay sửa nhà chưa xin phép thì ngay lập tức đã có cơ quan nhà nước đến yêu cầu ngừng thi công, lập biên bản,…

khang thi du an khang thi khu pho khang thi vinh long thanh tinh nguyen fb3
Khu phố Khang Thị  ở trung tâm TP Vĩnh Long xây dựng trên đất nông nghiệp. (Ảnh: dẫn qua Thành Tính Nguyễn/Facebook)

Cụ thể, Công ty TNHH Địa ốc P&G (trụ sở ở phường 8, TP Vĩnh Long) chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, chủ đầu tư này đã xây dựng nhiều dãy nhà với 42 căn nhà phố kiên cố trên 6.800 m2 đất nông nghiệp ở khu vực trung tâm TP Vĩnh Long, giá bán mỗi căn khoảng hơn 5 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, khu phố Khang Thị nằm trên tuyến đường Nguyễn Huệ, thuộc Phường 2, TP Vĩnh Long. Bên trong khu phố này có hàng chục căn nhà cao tầng liền kề, được xây dựng theo phong cách châu Âu. Phần ngoài công trình đã được hoàn thiện và rao bán công khai. Bên trong các căn nhà này đa số mới hoàn thiện phần thô. Vỉa hè đã được trồng cây, lát đá, hệ thống thoát nước được đầu tư bài bản, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Vĩnh Long, dự án mới được chính quyền tỉnh chấp thuận chủ trương từ tháng 11/2021. Tuy nhiên trước đó nửa năm, chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng gần 6.800 m2 đất để làm dự án nhà phố. Trong đó, gần 4.300 m2 đất trồng cây lâu năm và trồng thủy sản được chủ đầu tư tự ý làm đường (gần 2.300 m2) và xây nhà ở (hơn 2.000 m2). Đến thời điểm này, dự án chưa có giấy phép xây dựng.

Với vi phạm trên, Công ty TNHH địa ốc P&G bị UBND tỉnh Vĩnh Long phạt hơn 157 triệu đồng, phải giữ nguyên hiện trạng và liên hệ địa phương đăng ký kế hoạch sử dụng đất. Trước đó, hồi tháng 1, liên quan dự án này, công ty bị phạt 150 triệu đồng do triển khai công trình trước khi được tỉnh chấp thuận đầu tư.

Ông Phạm Xuân Giang, Giám đốc Công ty TNHH địa ốc P&G, cho biết dự án Khang Thị tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Trong số 6.800 m2 của dự án, hơn 2.000 m2 được công ty chuyển lên mục đích thổ cư. Tuy nhiên quá trình hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý theo hướng dẫn của chính quyền qua nhiều công đoạn, nhà đầu tư lần đầu thực hiện nên thủ tục chậm trễ, dẫn tới vi phạm.

rao ban du an khang thi vinh long
Một môi giới bất động sản rao bán mỗi căn nhà trong khu phố Khang Thị trị giá khoảng hơn 5 tỷ đồng. (Ảnh chụp màn hình: Facebook)

Độc giả diepph88 bình luận trên tờ Vnexpress: “Nhà mình ở Kon Tum, mới sửa cái cổng để làm bảng hiệu bán trà sữa, quản lý đô thị liên tục tới làm việc, bắt dở bỏ. Vậy mà xây cả khu đô thị lẽ nào chính quyền không hay biết? Trách nhiệm quản lý ở đâu? Còn một việc nữa là với giá 1 căn 5 tỷ, thì phạt vậy sao đủ răn đe. Mức phạt đó phải được tính toán theo phần trăm giá thành căn nhà, chứ không phải chỉ hình thức như vậy.”

Còn bạn dhuyvn thắc mắc: “Sửa nhà mà không xin phép thôi trong ngày phường xuống liền, xây 42 căn mà phường quận không ai biết??.”

Bạn Nguyễn Đắc Vệ cho hay: “Chỉ cần vài xe cát và gạch mà Phường chưa thấy xin phép thì chắc chắn là bị hỏi thăm ngay rồi. Vậy mà xây dựng hẳn 6800 m2 đất mà địa phương không biết thì đúng là ‘độc và lạ’ thật.”

Trên tờ Tuổi Trẻ, bạn Minh Trần cũng khó tin sự việc trên có thể xảy ra: “Sửa cái nhà, mang vật liệu xây dựng về là có anh địa chính hỏi thăm ngay. Vậy mà giữa lòng thành phố cất cả dãy nhà không ai hay biết. Có ai tin không có vấn đề không chứ tôi thì không”.

Ở vai trò là chủ đầu tư, bạn độc giả Việt Lê cho hay: “Tôi là một chủ đầu tư 9x, ai lập doanh nghiệp xây dựng mới thấu cảnh đợi cấp phép dự án chờ mòn cả cổ trong khi đó thì lãi vay ngân hàng vẫn phải đóng hàng tháng, không làm thì không có nhà để bán, không có nhà để bán thì không có tiền để trả lãi ngân hàng. Nên doanh nghiệp đành bấm bụng xây trái phép rồi chờ đợi cấp phép lên thổ cư và cấp phép xây dựng sau, vẫn biết là bị phạt nhưng khi có chủ trương xây dựng khu dân cư rồi là chúng tôi làm ngay lập tức rồi đợi giấy phép lên thổ cư hiến đường và giấy phép xây dựng sau”.

Báo Vnexpress cũng đưa tin, thời gian gần đây, các tỉnh thành miền Tây xảy ra một số dự án xây không phép trên đất nông nghiệp. Gần đây nhất là vụ việc căn biệt thự rộng hơn 300 m2 xây trên 3.300 m2 đất nuôi trồng thuỷ sản ở xã Tân Thành, TP Cà Mau; nhà hàng rộng 1.000 m2 dựng trên đất lúa ở phường Long Hoà, quận Bình Thuỷ, Cần Thơ. Trước đó, 79 căn biệt thự xây trái phép trên 19 ha đất công tại xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Điểm chung của các công trình trên đều quy mô lớn, chính quyền giải thích chung là do “chậm phát hiện”, việc tháo dỡ và xử lý người liên quan đến nay chưa hoàn tất.

Tuấn Minh