Việc tăng thuế VAT cũng sẽ không giúp bổ sung nguồn thu đóng góp vào ngân sách, bởi tỷ trọng thuế VAT trong ngân sách nhà nước hiện đã rất cao, chiếm 27,5%. Tại các nước châu Âu áp thuế VAT 21,4% cũng chỉ thu được trên 20% tổng ngân sách từ loại thuế gián thu này.

tien si Vu thanh tu Anh
Tiến Sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết việc tăng thuế VAT, Nhà nước chưa chắc đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách (Ảnh qua: bizlive.vn)

Trong khi Bộ Tài chính và các chuyên gia kinh tế World Bank (WB) “đóng cửa” để nghiên cứu kỹ lưỡng các tác động của chương trình cải cách thuế tới mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trước khi trình Chính phủ Đề án cải cách thuế, các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại rằng quyết định tăng thuế VAT sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Các chuyên gia lo ngại việc tăng thuế VAT có thể thành hiện thực

Chuyên gia kinh tế Lê Đình Vinh cho rằng một chính sách thuế toàn diện cần không chỉ thu thuế mà còn hướng tới nuôi dưỡng nguồn thu. Khi giảm thuế sẽ kích thích tiêu dùng, thông qua đó nhà nước thu được nhiều hơn.

Còn theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tăng thuế VAT nhà nước chưa chắc đã đạt mục tiêu tăng thu ngân sách.

Bởi lẽ tỷ trọng thuế VAT trong tổng thu ngân sách thuế của Việt Nam đã ở mức rất cao so với thế giới.

Tại các nước EU, mặc dù chịu mức thuế suất VAT trung bình là 21,4%, nhưng tỷ trọng thu thuế VAT ở nước này chỉ nhỉnh hơn 20%, so với mức 27,5% của Việt Nam thì còn quá khiêm tốn.

Theo ông Tự Anh, tỷ trọng này đã đạt ngưỡng tới hạn, cho nên, Việt Nam dù có tăng thuế suất lên, nhưng chưa chắc Nhà nước đã thu được nhiều hơn.

>> Tăng thuế VAT thêm 2% không thể bù bội chi ngân sách

Nếu không chỉnh đốn chi thì thu thuế cao cũng không bù đắp nổi thâm hụt ngân sách

Trong khi phía WB lý giải rằng họ tập trung vào nghiên cứu các giải pháp tối ưu nguồn thu (một điều dễ hiểu bởi với tư thế là chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, WB muốn các khoản cho vay của mình được đảm bảo an toàn), thì các chuyên gia kinh tế trong nước lại bám sát mục tiêu cân đối thu chi trong chương trình cải cách thuế.

Ông Vũ Thành Tự Anh cho biết, nếu không bắt đầu từ việc thắt chặt chi tiêu thì thu ngân sách chỉ tiếp tay cho các tệ nạn tham nhũng, lãng phí trở nên trầm trọng hơn.

Bội chi ngân sách luôn tăng đều qua các năm mặc dù thu luôn vượt kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là chi nhiều một cách thiếu kiểm soát.

Thật vậy, chi ngân sách năm 2015 đạt 1,263 ngàn tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán. Chi ngân sách năm 2016 lên tới 1,293 ngàn tỷ đồng, tương đương 106,3% dự toán. Dự chi ngân sách năm 2017 tiếp tục đề xuất 1.390 ngàn tỷ đồng mà không hề có động thái cắt giảm nào.

Tăng thuế, hàng hóa Việt sẽ mất tính cạnh tranh

Hiện nay, thuế suất VAT ở Việt Nam đang ở mức trung bình cao của khu vực. Có thể kể đến thuế suất trung bình VAT ở Đài loan là 5%, ở Singapore là 7%, ở Thái Lan là 7%,…

Cho dù luật pháp cho phép doanh nghiệp hoàn thuế VAT đầu vào, nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể làm được.

Thuế được ẩn trong giá thành các sản phẩm và không phải lúc nào cũng có chứng từ để hoàn lại. Ví như mặt hàng nông sản, người nông dân mua máy cày có thuế VAT, trả tiền điện có thuế VAT, mua phân bón có thuế VAT, mua vật liệu phục vụ nông nghiệp có thuế VAT,… Tất cả các hàng hóa, vật tư đó cấu thành nên sản phẩm nông nghiệp là lúa, gạo, tôm cá, rau củ quả… Doanh nghiệp mua nông sản của nông dân không có hóa đơn đầu vào, không thể khấu trừ, chỉ biết giá nhập tăng lên, dẫn đến giá xuất khẩu cũng phải tăng theo tương ứng.

Trong bối cảnh người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump vừa có cuộc phát biểu tại Springfield, Missouri vào ngày 30/8 về dự luật cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân Mỹ. Tiến sĩ Lê Đình Vinh, Chuyên gia Tài chính cho rằng, Chính phủ không nên tăng thuế mà ngược lại, cần phải giảm thuế VAT để hàng hóa có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

>> Kế hoạch cải cách thuế của TT Trump

Cho đến thời điểm này, quan ngại tăng thuế không phải không có cơ sở khi Bộ Tài chính liên tục đưa ra các thông tin chống chế cho các luận điểm ban đầu của mình.

Việc Bộ Tài chính cùng WB đóng cửa truyền thông để tập trung nghiên cứu các tác động thuế, sau đó trình Chính phủ một đề án hoàn chỉnh hơn càng khiến giới chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại về khả năng tăng thuế là hiện hữu.

Nguyên Hương

Xem thêm: