Một vụ hỏa hoạn ở Urumqi, Tân Cương, đã gây ra các cuộc biểu tình hiếm thấy ở các thành phố lớn của Trung Quốc phản đối chính sách zero-COVID, và cũng làm giảm kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ngày 28/11, thị trường chứng khoán toàn cầu bị sốc, giá dầu và giá hàng hóa giảm.

shutterstock 2150611377
Một đợt bùng phát các cuộc biểu tình hiếm thấy chống lại chính sách phòng chống dịch zero-COVID ở Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán và năng lượng toàn cầu. (Nguồn: Panorama Images/ Shutterstock)

Hãng Reuters của Anh đưa tin, cuối tuần trước, Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố lớn khác ở Trung Quốc đã nổ ra các cuộc biểu tình hiếm thấy phản đối chính sách phòng chống dịch zero-COVID.

Từ đường phố của một số thành phố Trung Quốc, đến hàng chục khuôn viên trường đại học, những người biểu tình đã thể hiện sự phản kháng dân sự chưa từng có kể từ năm 2012.

Tối ngày 27/11, những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát vì chính sách zero-COVID ở Thượng Hải. Một sinh viên đại học ở Thượng Hải cho biết: “Điều chúng tôi phản đối là những hạn chế đối với quyền của người dân, hạn chế tự do cá nhân và cuộc sống dưới danh nghĩa ngăn chặn virus.”

Các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-COVID cũng diễn ra ở Vũ Hán, Thượng Hải, Thành Đô và một phần của thủ đô Bắc Kinh.

Ngày 28/11, cảnh sát ở Bắc Kinh và Thượng Hải tuần tra hiện trường các cuộc biểu tình vào cuối tuần. Tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên bác bỏ thông tin cho rằng có sự tức giận lan rộng ở Trung Quốc về chính sách zero-COVID.

Biểu tình Trung Quốc làm rung chuyển chứng khoán toàn cầu, giá dầu giảm

Ngày 28/11, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, hàng hóa bị bán tháo trên diện rộng, khi các cuộc biểu tình hiếm thấy ở các thành phố lớn của Trung Quốc phản đối chính sách zero-COVID nghiêm ngặt, làm dấy lên kỳ vọng tăng trưởng kém ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

MSCI, chỉ số rộng nhất của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản, đã giảm 1,2% sau đợt bán tháo cổ phiếu Trung Quốc.

Trong khi điểm chuẩn STOXX của châu Âu giảm 0,9% vào đầu phiên giao dịch, điểm chuẩn của Úc đóng cửa giảm 0,42% và chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,4%. Thị trường Hoa Kỳ dường như đi theo xu hướng giảm giá vào thứ Hai (28/11), với hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 giảm 0,8%.

Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đè nặng lên các thị trường hàng hóa khác, khiến đồng và các kim loại khác giảm giá.

Thị trường năng lượng toàn cầu vốn nhạy cảm với nhu cầu của Trung Quốc, cũng phản ứng với giá dầu giảm.

Lúc 9:50 GMT (Greenwich Mean Time) ngày 28/11, giá dầu thô Brent giảm 3,1% xuống 81,05 USD/thùng, và giảm 2,71 USD xuống 80,92 USD/thùng lúc 12:00 GMT. Giá dầu đã giảm xuống còn 80,61 USD vào đầu phiên, mức thấp nhất kể từ ngày 4/1.

Dầu thô WTI (dầu thô ngọt, nhẹ của Texas – West Texas Intermediate) của Hoa Kỳ cũng giảm 2,31 USD xuống còn 73,97 USD.

Thứ Sáu tuần trước (25/11), trước những lo ngại về chính sách zero-COVID của Bắc Kinh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố cắt giảm 25 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), sẽ giải phóng khoảng 70 tỷ USD thanh khoản để hỗ trợ chống đỡ nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại.

Ông George Boubouras, giám đốc điều hành của K2 Asset Management, cho biết rõ ràng các biện pháp phong tỏa rất nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng, và môi trường kinh doanh của Trung Quốc trong một thời gian.

Hơn nữa, tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục bị hạ thấp trong hơn 1 năm nữa, và sẽ có những đợt giảm tiếp theo. Thị trường không thích sự không chắc chắn, các nhà đầu tư đang chờ đợi một số thông báo từ chính quyền Bắc Kinh về các biện pháp phong tỏa zero-COVID.

Nhà kinh tế trưởng Robert Subbaraman của Nomura Asia Pacific (ngoài Nhật Bản) cho rằng, phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách phòng chống dịch COVID-19 quá chậm chạp, làm suy yếu kỳ vọng tăng trưởng kinh tế.

Ông nói: “Tình hình ở Trung Quốc rất bất ổn và chính quyền Bắc Kinh nên học cách chung sống với COVID-19.”

Thiên Thanh / Vision Times

VIDEO: Người Trung Quốc nổi giận, biểu tình lan rộng khắp đất nước

VIDEO: Cuộc biểu tình chấn động Thượng Hải ngày 27 tháng 11

VIDEO: Cảnh sát Trung Quốc bắt phóng viên BBC đưa tin về biểu tình Thượng Hải