Gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp khó khăn vì dịch viêm phổi Vũ Hán ước tính khoảng 24.000 tỷ đồng đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất. Trong khi đó, nhiều gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng được Chính phủ Việt Nam đưa ra trước đó để trợ giúp người dân, doanh nghiệp vẫn còn triển khai chậm, chưa đạt hiệu quả, tỷ lệ giải ngân thấp…

ban ve so dao
Một người khuyết tật vất vả mưu sinh bán vé số trên đường phố ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. (Ảnh: laodong.vn)

Đợt dịch viêm phổi Vũ Hán thứ 4 tại Việt Nam bùng phát nhanh và ngày càng nguy hiểm đã ảnh hưởng nặng nề đến hàng ngàn, hàng triệu hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên khắp cả nước. Đa số doanh nghiệp cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc dẫn đến tình trạng lao đao, theo báo Tuổi Trẻ.

Theo Tổng Cục thống kê, 6 tháng qua có hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh – tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức 2,52%. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Một số ngành đã suy giảm từ năm 2020 nay tiếp tục giảm sâu hơn, như khu vực du lịch, lữ hành giảm sâu tới 54,8%, vận tải giảm 0,7%…

Hôm 25/7, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đang nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí cho doanh nghiệp khó khăn vì dịch viêm phổi Vũ Hán, ước khoảng 24.000 tỷ đồng; sẽ sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định.

Cũng theo ông Phớc, chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về gói hỗ trợ COVID-19 cho người dân, doanh nghiệp với quy mô 26.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này đang được giải ngân.

Ngoài ra, nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế (thu nhập doanh nghiệp, VAT, thu nhập cá nhân), tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn vì COVID-19 đến hết năm 2021 cũng được ban hành, ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng…

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Một huyện có tới 76% hộ nhận sai

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng để trợ giúp người dân, doanh nghiệp trong đợt dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Trình bày báo cáo thẩm tra tại chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV hôm 22/7, ông Thanh cho biết tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5%.

Đáng lưu ý, gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương cho công nhân, lao động phải ngừng việc với quy mô 16.000 tỷ đồng mới giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Số tiền giải ngân được là 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.

Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng, đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp, với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1%.

Theo đánh giá của ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch COVID-19 trên từng khu vực nên việc xác nhận đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả tỷ lệ người được nhận và số tiền trợ cấp.

Cũng tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là “đặc biệt quan trọng”, song về cơ bản vẫn chưa đạt được mục tiêu, có nội dung chỉ đạt 0,26% quy mô hỗ trợ. Vì vậy, “cần đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và hướng tới sẽ xử lý như thế nào?”, ông Tỵ nói.

“Theo thống kê, có 98% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID -19, đang gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp được hưởng chính sách này và nhiều vấn đề khác nữa. Cho nên, cần phải xem xét, đánh giá một cách khách quan”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu.

Hồi tháng 5, báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam cho biết năm COVID-19 thứ hai, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc công ty May 10 được báo VOV dẫn lời: “Nguyên nhân do điều kiện để doanh nghiệp được hưởng tiền trợ giúp này là phải giảm doanh thu 30% và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng những tiêu chí này, thì doanh nghiệp của chúng tôi đã đóng cửa rồi. Nên tôi cho rằng, trong thời gian tới cần chia các tiền trợ giúp và nhóm người cần trợ giúp. Ngoài ra, tiền trợ giúp nên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng phục hồi và cần trợ giúp sao cho xứng đáng để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” với gói 62.000 tỷ đồng ở lần hỗ trợ thứ nhất là do vướng mắc ở khâu thủ tục và điều kiện thụ hưởng.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Các vụ án tham nhũng nghiêm trọng năm 2020: Hơn 14 ngàn tỷ đồng được thu hồi