Chưa đầy 1 tuần sau khi vận hành thu phí cảng biển tại TP.HCM, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc tạm dừng hoạt động thu phí do đang gây áp lực lớn lên doanh nghiệp trong bối cảnh cần phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

phi cang bien tp.hcm phi cang bien gay kho khan cho doanh nghiep doanh nghiep kien nghi dung thu phi cang bien
Theo VPA, tổng khối lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM chiếm 43,3% cả nước năm 2021. Việc thu phí cảng biển ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp, trong bối cảnh còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Duc Huy Nguyen/Shutterstock)

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 4/4 về việc tạm dừng thu phí cảng biển tại TP.HCM.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của hiệp hội và doanh nghiệp, Ban IV cho biết hiện khối lượng xuất nhập khẩu qua các cảng biển tại TP.HCM là rất lớn. Theo số liệu của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), tổng khối lượng hàng container thông qua khu vực cảng biển TP.HCM năm 2021 là 7.956.133 TEU, chiếm khoảng 43,3% cả nước (18.359.845 TEU), chưa bao gồm hàng lỏng, hàng rời – báo Giao Thông đưa tin.

Ban IV cho rằng việc áp dụng thu phí cảng biển từ ngày 1/4 của TP.HCM khiến nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh mới vừa trở lại hoạt động sau dịch COVID-19.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc TP.HCM thu thêm phí cảng biển giữa lúc doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn là chưa phù hợp, làm giảm sức cạnh tranh khi giá thành sản xuất tăng, chi phí của doanh nghiệp đang đội lên do cước phí logistics đang tăng cao. Việc thu phí này được cho là đi ngược với chủ trương của Chính phủ Việt Nam, vốn đang khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Ngoài ra, hiện việc quy định thu mức phí chênh lệch giữa mở tờ khai tại TP.HCM và ngoài TP.HCM không phù hợp với Luật phí, lệ phí và Luật Hải quan, tạo ra sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp ở địa phương lân cận như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai,…

Cụ thể, mức phí cảng biển được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đưa ra như sau:

– Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM: thu 500.000 đồng/container 20 feet; 1 triệu đồng/container 40 feet và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

– Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM: thu 250.000 đồng/container 20 feet; 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Việc này khiến các doanh nghiệp có xu hướng đổ về TP.HCM để mở tờ khai, từ đó gây ra quá tải, ách tắc giao thông đường bộ và hoạt động thông quan hàng hóa.

Đồng thời, việc thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa, hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất đã cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ các hàng hoá này và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Ban IV cho biết.

Dựa trên các ý kiến nêu trên, Ban IV thay mặt các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị dừng việc thu phí cảng biển tại TP.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh sản xuất.

Trường hợp sau khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 qua đi, việc thu phí cảng biển khởi động trở lại cần phải tuân thủ các quy định theo Luật phí, lệ phí và Luật Hải quan. Ngoài ra, Ban IV kiến nghị không nên thu phí cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa hoặc hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập – tái xuất.

Trước đó, TP.HCM đã thu phí cảng biển từ ngày 1/4 và báo cáo kết quả thu được trong ngày đầu tiên là 8,25 tỷ đồng với 6.139 tờ khai. Dự kiến hết năm 2022, nguồn thu từ phí cảng biển tại TP.HCM ước đạt trên 3.000 tỷ đồng, Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Kiến Minh