Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cảnh báo hôm thứ 29/9, những hạn chế về nguồn cung cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn, khiến lạm phát tăng cao kéo dài hơn, ngay cả khi mức tăng giá đột biến hiện nay có khả năng vẫn là tạm thời.

Embed from Getty Images

Sự gián đoạn nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ đại dịch đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng trên khắp các châu lục, khiến thế giới thiếu hụt rất nhiều hàng hóa và dịch vụ, từ linh kiện xe hơi, vi mạch cho đến các tàu container vận chuyển hàng hóa qua các vùng biển.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell phát biểu tại Diễn đàn về Ngân hàng Trung ương của Ngân hàng Trung ương Châu Âu: “Thật là… nản lòng khi thấy các nút thắt cổ chai và vấn đề chuỗi cung ứng không được cải thiện, trên thực tế, mọi chuyện dường như đang trở nên tồi tệ hơn một chút.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi thấy rằng, [tình trạng này] có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới và khiến lạm phát tăng cao kéo dài lâu hơn chúng tôi nghĩ.”

Phát biểu cùng với ông Powell, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng bày tỏ những lo ngại tương tự, cho rằng sự kết thúc của ‘những nút thắt cổ chai’, từng được các nhà kinh tế cho rằng chỉ kéo dài vài tuần nữa này, là không chắc chắn.

Bà Lagarde nhận định: “Những tắc nghẽn về nguồn cung và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, mà chúng ta đã trải qua trong vài tháng qua… dường như đang tiếp tục và thậm chí là tăng tốc ở một số ngành. Ở đây tôi nghĩ đến vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa và những lĩnh vực tương tự.”

Lạm phát dự kiến ​​sẽ tăng

Lạm phát toàn cầu đã tăng đột biến trong những tháng gần đây do giá năng lượng tăng vọt và các nút thắt về sản xuất đang đẩy giá cả lên cao hơn. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại rằng mức tăng nếu kéo dài đủ lâu sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng nói riêng, và còn đẩy mạnh tình trạng lạm phát nói chung.

Thực vậy, bà Lagarde cho hay, ECB sẽ “rất chú ý” đến những tác động vòng hai của lạm phát này, trong khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey, một diễn giả khác tại diễn đàn cũng khẳng định ông sẽ theo dõi “rất sát sao” về kỳ vọng lạm phát.

“Nếu thời kỳ lạm phát cao này (cho dù rất có thể chỉ là tạm thời) kéo dài đủ lâu, nó sẽ bắt đầu ảnh hưởng, thay đổi cách mọi người nghĩ về lạm phát. Chúng tôi theo dõi điều này rất chặt chẽ,” ông Powell nói thêm.

Vấn đề là các ngân hàng trung ương, cơ quan chính trong việc kiểm soát giá, hầu như không chịu ảnh hưởng của sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn, vì vậy họ có khả năng đứng ngoài cuộc, chờ đợi những bất thường kinh tế tự điều chỉnh mà không bị thiệt hại lâu dài.

Ông Bailey nhìn nhận: “Chính sách tiền tệ không thể giải quyết những cú sốc từ phía cung. Chính sách tiền tệ không thể tạo ra chip máy tính, không thể tạo ra gió, không thể tạo ra tài xế xe tải.”

Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách kêu gọi tăng cường chú ý đến lạm phát, tất cả đều duy trì quan điểm lâu dài rằng lạm phát tăng đột biến sẽ chỉ là tạm thời và mức tăng giá sẽ tiết chế trong năm tới, quay trở lại mức cũ hoặc thấp hơn các mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Những lo ngại về lạm phát cố định đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về sự cần thiết phải nới lỏng các biện pháp kích thích trong thời khủng hoảng, và các bình luận từ diễn đàn hôm 29/9 đã củng cố kỳ vọng cho các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới theo các lịch trình rất khác nhau, không đồng bộ trong nhiều năm tới.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Anh (BoE) và Ngân hàng Canada đã thảo luận cởi mở về việc thắt chặt chính sách, trong khi các ngân hàng trung ương ở các nước như Hàn Quốc, Na Uy và Hungary lại tăng lãi suất, bắt đầu một chặng đường dài để bình thường hóa chính sách.

Trong khi đó, ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực hiện cực kỳ thận trọng sau khi nhấn mạnh mục tiêu lạm phát của họ trong nhiều năm.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: