Vào ngày 17/10, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở Tennessee, Hoa Kỳ đã thông báo một khám phá vô tình đáng kinh ngạc: biến khí CO2 thành cồn chỉ nhờ một chất xúc tác duy nhất.

(ảnh: pixabay)
(ảnh: pixabay)

Quy trình này rất rẻ, hiệu quả và có thể nhân ra quy mô lớn, đồng nghĩa nó có thể giúp giảm một lượng lớn CO2 trong không khí.

Nhóm nghiên cứu đã cố gắng tìm ra một chuỗi phản ứng hóa học giúp biến khí CO2 thành cồn (ethanol), họ cho rằng quá trình này sẽ phải qua nhiều bước và cần nhiều chất xúc tác. Nhưng hóa ra họ đã nhầm. Bước đầu tiên trong quá trình đã giải quyết xong vấn đề, và đơn giản đến bất ngờ.

Nhóm đã tạo ra một mạng lưới vi mô các nhánh bằng đồng và cacbon, đặt trên một bề mặt silicon. Một giọt nhỏ nano nitơ nằm tại đầu các góc nhọn. Khi tiếp xúc với CO2 và một điện tích nhỏ, chất xúc tác này khởi động chuỗi phản ứng phức tạp, đảo ngược quá trình cháy và biến khí thải nhà kính này thành dung dịch cồn.

>> Giải Nobel hóa học 2016: Làm sao lắp ghép phân tử thành những cỗ máy nano?

cận cảnh các nhánh nano cacbon (ảnh: ORNL)
cận cảnh các nhánh nano cacbon (ảnh: ORNL)

Không chỉ vậy, bởi vì chất xúc tác quá nhỏ, hầu như không có phản ứng phụ nào, vì vậy cồn tạo ra khá tinh khiết. Hẳn là không thể dùng để uống, nhưng có thể dùng cho máy phát điện. Tuyệt vời hơn nữa, quá trình này có thể diễn ra ở nhiệt độ phòng.

Khám phá này mở ra con đường hứa hẹn, khi sản xuất ra năng lượng dư thừa, chúng ta có thể dùng điện để chuyển hóa khí CO2 thành cồn, sau đó sử dụng cồn để chạy máy phát điện vào những lúc cần thiết khác. CO2 sinh ra từ quá trình đốt cháy cồn lại có thể tiếp tục được chuyển hóa thành cồn…

Video ngắn các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Oak Ridge giới thiệu về phát hiện mới này:

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực để làm cho quá trình này hiệu quả hơn nữa. Nếu họ thành công, điều này sẽ tạo ra thay đổi lớn trong thị trường năng lượng thế giới và các vấn đề môi trường.

>> 5 phát minh xanh cho chúng ta hy vọng vào tương lai

Theo Engadget,
Phong Trần tổng hợp