Các tài xế Uber có thể khởi kiện khi lợi ích bị xâm hại vì Luật doanh nghiệp và Luật cạnh tranh Việt Nam chưa quy định hành vi mua bán ‘thị trường kinh doanh’, đặc biệt giữa hai pháp nhân nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam – Luật sư Nguyễn Văn Đức, trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Kinh Luân cho hay.

Embed from Getty Images

Một ngày sau khi nhận được thông tin Grab thông báo chính thức hoàn tất giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam, Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương đã gửi văn bản số 190/CT-TKT ngày 27/3/2018 tới Công ty TNHH GrabTaxi yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại nêu trên và Hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á.

Liên quan tới vấn đề này, TrithucVN xin được đăng tải nguyên văn cuộc trao đổi giữa phóng viên (PV) Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Luật sư Nguyễn Văn Đức –  Trưởng Đại diện VP Luật sư Kinh Luân. (Chương trình phát sóng trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam tối ngày 28/3).

LS Nguyen Van Duc
LS. Nguyễn Văn Đức – Trưởng đại diện VP Luật Kinh Luân (Ảnh: Minh Phạm)

PV: Thưa ông, thương vụ Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á sẽ diễn ra như thế nào tại Việt Nam?

LS: Tôi có đọc thông tin trên các báo chí. Theo giấy phép kinh doanh của GrabTaxi tại Việt Nam thì GrabTaxi được hình thành bởi hai nguồn vốn, một nguồn vốn của Grab Caymand và ông Nguyễn Anh Tuấn. Như vậy GrabTaxi là một công ty Việt Nam và Uber hiện có một văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện nay, việc mua bán toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á đang diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì tôi không biết trên cơ sở nào mà Grab Việt Nam lại thực hiện chuyển giao toàn bộ hoạt động của Uber tại Việt Nam cho Grab như các báo đã thông tin.

Cơ sở pháp lý tôi thấy chưa có rõ ràng, bởi lẽ theo pháp luật Việt Nam, theo Luật Doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh thì chỉ có các loại hình mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và tập trung kinh tế, trong các loại hình này không có loại hình nào là mua bán thị trường kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Việt nam. Về việc này các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam phải nhanh chóng vào cuộc để xem khái niệm này được Grab, Uber thực hiện như thế nào và diễn giải ra sao đối với hoạt động tại thị trường Việt Nam.

>> Tài xế Uber bị bỏ rơi sau thương vụ bán mình cho Grab

PV: Thưa ông, đối với khoản nợ thuế53,3 tỷ đồng của Uber chưa nộp vào Ngân sách Nhà nước thì theo ông sẽ do ai trả?

LS: Theo pháp luật Việt Nam thì việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập nhưng ở đây Grab, Uber là mua bán thị trường kinh doanh cho nên về nguyên tắc Uber vẫn là một doanh nghiệp đang tồn tại và họ đang chịu khoản nợ thuế 53,3 tỷ đồng của Cục thuế TP.HCM. Do đó, về nguyên tắc Uber vẫn phải chịu trách nhiệm đối với khoản thuế này.

PV: Việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber có vi phạm luật cạnh tranh hay không?

LS: Theo điều 16, 17, 18, 19 của Luật Cạnh tranh, trong khái niệm tập trung kinh tế theo Luật Việt Nam có 5 trường hợp: sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hành vi tập trung kinh tế khác. Đối với trường hợp của Grab, Uber, theo Luật Việt Nam, nếu công ty sáp nhập, nhận sáp nhập có thị phần trên 30% thì phải báo cáo với cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập. Như vậy, đối với thị phần của Uber và Grab hiện đang có ở Việt Nam về kinh doanh taxi đã trên 30%, do đó, nếu họ thực hiện tập trung kinh tế thì phải báo cáo với Cục quản lý Cạnh tranh trước khi sáp nhập.

Video của buổi phỏng vấn:

Vĩnh Long (T/h)