Ngày 14/9, California đã đệ đơn kiện Amazon với cáo buộc Amazon vi phạm luật chống độc quyền của tiểu bang này bằng cách bóp nghẹt cạnh tranh và buộc người bán phải giữ giá cao hơn trên các trang khác.

shutterstock 1083512990
(Nguồn: Shutterstock)

Đơn kiện dài 84 trang, được nộp tại Tòa án Thượng thẩm San Francisco, gợi nhớ đến một đơn kiện khác được nộp vào năm ngoái tại Đặc khu Columbia. Đơn khiếu nại đã bị một thẩm phán quận bác bỏ vào đầu năm nay và thủ tục kháng cáo hiện đang được tiến hành.

Tuy nhiên, các quan chức California tin rằng họ sẽ không gặp một số phận tương tự. Điều đó một phần là do đã thu thập đủ thông tin trong cuộc điều tra kéo dài hơn 2 năm, bao gồm trát đòi hầu tòa và phỏng vấn người bán, đối thủ cạnh tranh của Amazon, nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của công ty.

Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang California, ông Rob Bonta, cho biết trong vụ kiện rằng Amazon đã sử dụng các điều khoản hợp đồng cấm người bán đưa ra mức giá thấp hơn cho các sản phẩm trên các trang không phải của Amazon, bao gồm cả các trang của chính người bán. Cách làm này làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các nhà bán lẻ khác.

Đơn kiện lập luận rằng những người bán không tuân thủ chính sách có thể bị tước bỏ vị trí làm nổi bật sản phẩm của họ trên trang web của Amazon và đối mặt với các biện pháp trừng phạt khác, chẳng hạn như đình chỉ hoặc chấm dứt tài khoản của họ. Đơn kiện nói rằng các chính sách của Amazon về cơ bản buộc các nhà bán hàng phải niêm yết giá cao hơn trên các trang web khác để giúp ‘gã khổng lồ’ bán lẻ duy trì sự thống trị thương mại điện tử của mình.

Ngoài ra, vụ kiện ở California nhằm ngăn chặn Amazon ký kết các hợp đồng với người bán gây tổn hại đến cạnh tranh về giá. Nó cũng tìm kiếm một lệnh của tòa án để buộc Amazon phải trả tiền cho tiểu bang này cho những tổn thất do tăng giá. Các quan chức tiểu bang chưa cho biết họ yêu cầu bồi thường bao nhiêu.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Insider Intelligence, Amazon có trụ sở tại Seattle kiểm soát khoảng 38% doanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ, nhiều hơn Walmart, eBay, Apple, Best Buy và Target. Khoảng hai triệu người bán niêm yết sản phẩm của họ trên thị trường bên thứ ba của Amazon, chiếm 58% doanh số bán lẻ của công ty này.

Trước đây, Amazon đã từng nói rằng người bán tự đặt giá trên nền tảng này. Họ cũng cho biết họ có quyền tránh làm nổi bật các sản phẩm không có giá cạnh tranh.

Bất chấp lời biện hộ này, Amazon vẫn là đối tượng của sự giám sát từ các nhà lập pháp và các nhóm vận động kêu gọi các quy định chống độc quyền chặt chẽ hơn. Đầu năm nay, các nhà lập pháp tại Quốc hội đã thúc giục Bộ Tư pháp điều tra xem liệu công ty có thu thập dữ liệu về người bán để phát triển các sản phẩm cạnh tranh và cung cấp chúng nổi bật hơn trên trang web của mình hay không. Các nhà phê bình cũng đã chỉ trích Amazon vì thu các khoản phí ngày càng tăng đối với người bán, khiến các người bán khó thâm nhập thị trường hơn.

Các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy luật lưỡng đảng nhằm hạn chế Amazon và các công ty công nghệ lớn khác, bao gồm Apple, Meta và Google, thiên vị các sản phẩm và dịch vụ của chính họ. Dự luật này đã qua sự kiểm tra của các ủy ban chủ chốt. Tuy nhiên, dưới sự phản đối mạnh mẽ từ các công ty nói trên, nó đã bị trì hoãn tại Quốc hội trong nhiều tháng qua.

Song song đó, các cơ quan quản lý cũng đang điều tra các hoạt động kinh doanh và giao dịch của Amazon.

Vào tháng Bảy, công ty đã có sự nhượng bộ để giải quyết hai cuộc điều tra chống độc quyền của Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm cam kết đối xử bình đẳng với tất cả người bán khi xếp hạng các sản phẩm cung cấp trên “Hộp Mua” (Buy Box) của trang web của họ. “Hộp mua” là một vị trí được yêu thích giúp người mua hàng dễ dàng xem các mặt hàng hơn.

Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang đang điều tra việc mua lại 3,9 tỷ USD của Amazon đối với tổ chức chăm sóc One Medical và các hoạt động đăng ký và hủy bỏ “Amazon Prime”. “Amazon Prime” là dịch vụ đăng ký trả phí của công ty cung cấp các ưu đãi lớn và giao hàng nhanh hơn. 

Trí Đạt, theo AP