Theo Công văn số 524 của Văn phòng SPS Việt Nam, Campuchia hiện chỉ bắt buộc Chứng nhận kiểm tra chất Ethylene Oxide đối với mặt hàng “Mì ăn liền Hảo Hảo” của Công ty Acecook Việt Nam.

IMG 2501
Phía Campuchia cho biết “Mì Hảo Hảo hương vị gà” đã bị EU phát hiện chất Ethylene Oxide sẽ bị cấm nhập khẩu vào quốc gia này. (Ảnh: Trí Thức VN)

Trước thông tin Campuchia yêu cầu kiểm soát và chặn nhập khẩu mì Việt Nam bị nghi chứa chất cấm, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết đã liên lạc với phía Campuchia. Theo đó, số lô mì ăn liền “Mì Hảo Hảo hương vị gà” mà Liên minh châu Âu (EU) phát hiện nhiễm Ethylene Oxide sẽ không được phép nhập khẩu vào nước này.

Phía Campuchia cho biết Chứng nhận kiểm tra Ethylene Oxide chỉ bắt buộc đối với sản phẩm “Mì ăn liền Hảo Hảo”. Nhà nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận này với số lô tương ứng cho cán bộ kiểm tra (hải quan và thuế) tại cửa khẩu.

“Việc kiểm tra thực tế có thể được tiến hành ở các lô hàng cho đến khi 5 lô hàng liên tiếp không bị nhiễm Ethylene Oxide”, phía Campuchia nhấn mạnh, báo Nông Nghiệp đưa tin.

Ông Ngô Xuân Nam – Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp trong nước phải nắm vững các quy định của thị trường nhập khẩu.

Trước đó, vào tháng 7, tờ Khmer Times cho biết sau khi EU phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa Ethylene Oxide, các cơ quan Campuchia dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất này.

Ông Phan Oun, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR) của Campuchia cho biết nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan sẽ chỉ thị lực lượng hải quan các địa phương để phân loại các loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro và cần có giấy chứng nhận không chứa chất Ethylene Oxide đối với mì nhập khẩu trong thời gian tới.

Ông Dim Theng, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ người tiêu dùng tại Bộ Thương mại Campuchia cho biết: “Chúng tôi đang thành lập tổ chuyên trách để bắt đầu kiểm tra vào tháng tới trên toàn quốc để đảm bảo các sản phẩm có sẵn trên thị trường an toàn cho người tiêu dùng, vì chúng tôi xuất khẩu và đồng thời nhập khẩu một số sản phẩm”.

Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (thuộc Bộ Y tế Đài Loan) đã quyết định thu giữ và tiêu hủy 1.440 kg mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam thông qua Công ty Qianyu (Thiên Du).

Cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện trong gói bột gia vị mì gói hương vị tôm chua cay của Omachi có chứa 0,195 mg/kg Ethylene Oxide.

Tối ngày 24/8, đại diện (không nêu danh tính) Masan Consumer cho biết Công ty không xuất khẩu trực tiếp sang Đài Loan hoặc bán sản phẩm mì Omachi Xốt tôm chua cay cho đối tác là Công ty Qianyu, theo báo Tuổi Trẻ.

Vị đại diện cho hay do tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước là khác nhau nên Masan Consumer đáp ứng tiêu chuẩn từng quốc gia cũng khác nhau.

Còn tại Việt Nam, vị này khẳng định các sản phẩm mì Omachi “đang được sản xuất đáp ứng đầy đủ mọi quy định về an toàn thực phẩm của Nhà nước Việt Nam”.

Đức Minh