Giá dầu thế giới đang leo thang trong bối cảnh căng thẳng diễn ra giữa Nga và Ukraine. Các nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực xoa dịu tình hình chung nhưng giá dầu thô Brent giao sau vẫn chạm mức cao nhất từ tháng 10/2014, đạt 96,16 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 14/2.

shutterstock 776609758 ai
Giá dầu thế giới đang trong xu hướng tăng do những quan ngại về nguồn cung ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine (Ảnh: Andrii Spy_k/Shutterstock)

Ngày 14/2, giá dầu đã đạt mức cao nhất trong hơn 7 năm do quan ngại về tình hình ở Ukraine. Điều này có thể dẫn đến một lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Châu Âu đối với hành động xâm lược có thể xảy ra của Nga đối với Ukraine, nhiều khả năng sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.

Giá dầu thô Brent giao sau ở mức 95,61 USD/thùng vào lúc 5 giờ 6 phút (giờ GMT) ngày 14/2, tăng 1,17 USD, tương đương 1,2%. Trước đó không lâu, giá dầu đã chạm đỉnh ở mức 96,16 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI), hay còn gọi là dầu thô ngọt nhẹ của Hoa Kỳ, đã tăng 1,41 USD/thùng, tương đương 1,5%, lên mức 94,51 USD/thùng. Mức dao động trung bình trong phiên giao dịch xoay quanh mốc 94,94 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Những bình luận của giới chức Hoa Kỳ về một cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga vào Ukraine đã làm dao động thị trường tài chính toàn cầu. Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào và có thể tạo ra một cái cớ bất ngờ cho một cuộc tấn công, giới chức Hoa Kỳ cho biết vào hôm Chủ nhật (ngày 13/2).

Ông Edward Moya, nhà phân tích của Sàn giao dịch OANDA cho biết: “Nếu việc điều động quân đội xảy ra, giá dầu thô Brent sẽ không gặp khó khăn khi tăng lên trên mức 100 USD/thùng”.

“Giá dầu vẫn sẽ cực kỳ biến động và nhạy cảm với tình hình xung đột gia tăng liên quan đến Ukraine”, ông Edward Moya nói.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) phải nỗ lực để gia tăng sản lượng, mặc dù tổ chức này đã cam kết gia tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày đến tháng 3/2022. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết khoảng cách giữa cam kết của OPEC+ và mục tiêu của tổ chức này đặt ra lên đến 900.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022. Trong khi ngân hàng JP Morgan cho biết khoảng cách này là 1,2 triệu thùng/ngày (đối với riêng OPEC).

“Chúng tôi đã thấy các dấu hiệu căng thẳng của OPEC: 7/10 thành viên của tổ chức này không đáp ứng được mức tăng hạn ngạch của tháng, sự thiếu hụt lớn nhất đến từ nước Iraq”, các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan cho biết vào ngày 11/2.

JP Morgan cho biết một siêu chu kỳ đang bắt đầu với “giá dầu gần như có khả năng vượt mốc 125 USD/thùng khi mở rộng hiệu suất rủi ro dự phòng”.

Cô Tina Teng, nhà phân tích của CMC Markets cho biết nguồn cung dự phòng bị hạn chế và nhu cầu dầu đã vượt xa tăng trưởng sản xuất, trong khi các nền kinh tế đang phục hồi từ thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

“Giá dầu sẽ không mất nhiều thời gian nữa để tiếp tục tăng giá cao hơn, dù cho các nhà lãnh đạo toàn cầu đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng ở Ukraine”, cô Tina Teng nói.

Ngoài ra, các nhà đầu tư đang theo dõi những cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015.

Tuy vậy, ngày 14/2, một quan chức an ninh cấp cao của Iran cho biết rằng tiến trình trong các cuộc đàm phán đang trở nên “khó khăn hơn”.

Tại Hoa Kỳ, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết giá dầu tăng mạnh đang khuyến khích các công ty năng lượng gia tăng sản lượng. Các công ty này đang bổ sung số lượng giàn khoan dầu nhiều nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Quang Minh, theo Reuters

Xem thêm: